Cải cách TTHC - Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, KKT tỉnh Kon Tum
Tại Kon Tum, các KCN, KKT cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, nguyên nhân là do mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn thấp, bố trí kéo dài nhiều năm; Nhà nước vẫn chưa có những chính sách đặc thù đủ mạnh áp dụng đối với những vùng, những KKT thuộc địa bàn miền núi, đặc biệt khó khăn như Kon Tum; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KKT cửa khẩu là rất khó khăn, do các dự án này có chi phí đầu tư lớn... Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2014, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.
Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Cải cách thủ tục hành chính
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Ban Quản lý đã phối hợp với phòng kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công bố Bộ Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKT tỉnh. Trên cơ sở đó, ngày 27/2/2014, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-UBND về việc công bố các thủ tục hành chính đang thực hiện nhưng chưa được công bố; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum.
Theo đó, có 02 thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư đang thực hiện nhưng chưa được công bố; 18 thủ tục được sửa đổi, bổ sung (gồm 12 thủ tục về lĩnh vực đầu tư, 04 thủ tục về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, 02 thủ tục về lĩnh vực đất đai); bãi bỏ 02 thủ tục hành chính (gồm thủ tục cấp Giấy phép xây dựng công trình trong KKT và thủ tục xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong KKT, KCN).
Căn cứ nội dung của Quyết định trên, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã tổ chức thực hiện niêm yết, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Ban tại trụ sở cơ quan, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, trang thông tin điện tử của cơ quan để phục vụ nhu cầu của cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng thực hiện việc kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo cơ chế “một cửa” để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch hành chính liên quan đến Bộ Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý. Số thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa trong 6 tháng đầu năm 2014 đã được bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo cơ chế “một cửa” tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định.
Hiện đại hoá nền hành chính nhà nước
Với mục đích hiện đại hóa nền hành chính nhà nước nhằm phục vụ tốt hơn cho các cá nhân, tổ chức, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ban Quản lý năm 2014; tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong xử lý công việc, thực hiện trao đổi các văn bản, tài liệu qua mạng, áp dụng hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản trong hoạt động của cơ quan; duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác (giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin...); tiếp tục duy trì thực hiện việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan theo quy định.
Đồng thời, Ban cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành trong cơ quan; tạo điều kiện cho các cán bộ công nghệ thông tin được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tạo điều kiện cho công chức, viên chức được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Tình hình thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp
Về thu hút đầu tư: luỹ kế đến nay, tại KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 24 dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang hoạt động, vốn đăng ký 508,9 tỷ đồng, vốn thực hiện 529,6 tỷ đồng; 09 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đăng ký 80,7 tỷ đồng, vốn thực hiện 14,3 tỷ đồng.
Tại các khu, cụm công nghiệp có 17 dự án sản xuất kinh doanh đang hoạt động, vốn đăng ký 275,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 189,7 tỷ đồng; 04 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đăng ký 39 tỷ đồng, vốn thực hiện 01 tỷ đồng.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp: ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của các doanh nghiệp trong KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt 261.759,85 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 242.399,85 triệu đồng; giá trị xuất khẩu đạt 74.800,00 triệu đồng; nộp ngân sách 9.510,05 triệu đồng.
Tại KCN Hòa Bình, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 430.023,00 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 232.023,00 triệu đồng; giá trị xuất khẩu 53.350,00 triệu đồng; nộp ngân sách 13.185,15 triệu đồng.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014
6 tháng cuối năm 2014, để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa vào các KCN, KKT, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đặt ra một số nhiệm vụ chính cần thực hiện, đó là:
- Duy trì tốt các nhiệm vụ công tác thường xuyên của Ban Quản lý, chú trọng công tác giải quyết các thủ tục, hồ sơ dự án đầu tư cho các nhà đầu tư vào KKT, KCN trên quan điểm và tinh thần thông thoáng, nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án hạ tầng thiết yếu liên quan đến ổn định đời sống nhân dân và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn KKT.
- Đôn đốc triển khai xây dựng các dự án đúng tiến độ và chất lượng, giải ngân 100% vốn đã bố trí.
- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư để đủ sức hấp dẫn và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng các dự án sản xuất kinh doanh trong KKT, KCN bằng nhiều hình thức đầu tư.
- Thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về KKT, KCN đăng tải trên các báo, tạp chí chuyên ngành...; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch giới thiệu xúc tiến đầu tư vào KKT, KCN trên cơ sở kết hợp với các chương trình xúc tiến đầu tư của Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành rà soát quy hoạch, thành lập và hoạt động KKT, KCN, cụm công nghiệp; rà soát và có biện pháp xử lý đối với các dự án trong KKT, KCN, cụm công nghiệp không tuân thủ theo quy định, chậm triển khai theo tiến độ, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc đề xuất thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi diện tích đất đã giao nhưng chủ đầu tư không có khả năng hoặc cố tình kéo dài không thực hiện dự án.
Lê Văn Quyền