Thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030
Thực hiện Kế hoạch số 3698/KH-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum vừa ban hành kế hoạch xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các thách thức từ không gian mạng, đẩy mạnh quá trình triển khai Chuyển đổi số.
2. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, lao động cơ quan về an toàn, an ninh mạng; xây dựng, phát triển lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
3. Xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong phạm vi cơ quan quản lý.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát: Sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, chủ động, nâng cao năng lực về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, góp phần xây dựng không gian mạng phát triển văn minh, lành mạnh, là động lực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Mục tiêu cụ thể
a. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và an ninh mạng.
- Cử bộ cán bộ làm đầu mối, chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong cơ quan.
- Phối hợp triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho toàn thể CC, VC, LĐ của cơ quan.
- Kinh phí phục vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
b. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và an ninh mạng.
- Củng cố, tăng cường lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại đơn vị
- Phấn đấu 100% CC, VC, LĐ cơ quan có cơ hội tiếp cận các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ chung
- Tăng cường các hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong phạm vi quản lý; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định liên quan; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng của Việt Nam sản xuất, chế tạo (Make in Viet Nam) và an ninh mạng tự chủ. Gắn kết công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng với công tác triển khai chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
- Phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các thông tin vi phạm pháp luật trên môi trường mạng thuộc phạm vi quản lý.
- Bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong hoạt động nội bộ của cơ quan.
- Thông tin đến các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống hạ tầng thông tin, hệ thống điều khiển công nghiệp và các hệ thống thông tin quan trọng khác do tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước
- Thường xuyên phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn, an ninh mạng đến toàn thể CC, VC, LĐ cơ quan; xác định an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và lâu dài.
- Phối hợp với các doanh nghiệp trong thực thi các chính sách về an toàn, an ninh mạng. Đẩy mạnh phổ biến kỹ năng an toàn trên không gian mạng đến CC, VC, LĐ trong cơ quan.
b. Bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số và cơ sở hạ tầng không gian mạng
- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Thường xuyên rà soát, xác định cấp độ an toàn thông tin và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt; ưu tiên sử dụng sản phẩm an toàn, an ninh mạng do Việt Nam sản xuất.
- Tuyên truyền đến các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý rà soát, đánh giá và có biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống hạ tầng thông tin, hệ thống điều khiển công nghiệp và các hệ thống thông tin quan trọng do doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác.
c. Bảo vệ hệ thống thông tin của cơ quan
- Nâng cao trách nhiệm, ý thức tự bảo vệ hệ thống thông tin thuộc phạm vi cơ quan, đơn vị quản lý. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
- Xây dựng, cập nhật và vận hành hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, an ninh mạng.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; Chủ động giám sát, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng trong quá vận hành hệ thống. Ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp an toàn, an ninh mạng do Việt Nam sản xuất.
- Tăng cường nguồn lực, thường xuyên nâng cấp hệ thống, cập nhật bản quyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn, an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
d. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
- Cử công chức tham gia các khóa đào đạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn toàn thông tin, theo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực và điều kiện cần thiết để triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong hoạt động nội bộ của cơ quan.
e. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng
- Phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an ninh mạng”.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin CBCC, VC, người lao động.
- Phối hợp kịp thời trong việc cung cấp các thông tin chính thống để người dân biết, cùng phản biện tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
- Tuyên truyền phổ biến kiến thức, tình hình, xu hướng và các nguy cơ, hậu quả trong công tác an toàn, an ninh mạng để toàn thể CBCC, VC, người lao động thực hiện.
f. Đầu tư nguồn lực và bảo đảm kinh phí thực hiện
- Bố trí đảm bảo nhân lực chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng trong cơ quan.
- Đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống kỹ thuật, thiết bị triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh mạng và trong hoạt động của cơ quan.
- Bố trí chi kinh phí phục vụ công tác an toàn, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
- Bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này, trưởng các Phòng, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phổ biến, quán triệt nội dung Kế hoạch đến toàn thể CC, VC, LĐ trong cơ quan đơn vị; tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch này.
2. Văn phòng BQLKKT tỉnh
- Phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thông tin, an ninh mạng, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thông tin, an ninh mạng tại cơ quan.
BBT