Một số điểm mới về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Theo đó, quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng có một số điểm mới cần chú ý sau:
1. Quản lý chất lượng công tác khảo sát, thiết kế xây dựng công trình không còn quy định trong Nghị định này.
2. Nội dung, danh mục của hồ sơ nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn được viết chi tiết, đầy đủ rõ ràng thể hiện tại Khoản 5 Điều 12 như sau:
“ 5. Hồ sơ quản lý chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình, bao gồm:
a) Chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa;
b) Chứng chỉ xuất xứ phải phù hợp với quy định của hợp đồng giữa nhà thầu cung ứng, bên mua hàng và phù hợp với danh mục vật tư, vật liệu đã được chủ đầu tư chấp thuận, phê duyệt đối với trường hợp nhập khẩu theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa;
c) Giấy chứng nhận hợp quy theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật có liên quan đối với vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị thuộc đối tượng phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa;
d) Các thông tin, tài liệu có liên quan tới vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng;
đ) Các kết quả thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và yêu cầu của thiết kế được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng công trình;
e) Các biên bản nghiệm thu vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định;
g) Các tài liệu khác có liên quan theo quy định của hợp đồng xây dựng.”
3. Nghị định này quy định cụ thể về Nghiệm thu công việc xây dựng, Nhật ký thi công, Bản vẽ hoàn công, trong khi Nghị định số 46/2015/NĐ-CP cần thông tư hướng dẫn mới thực hiện được.
4. Bản vẽ hoàn công được thể hiện tại Phụ lục IIB (trước đây được nêu trong Phụ lục II Thông tư số 26/2016/TT-BXD) và bổ sung thêm 2 điểm mới sau:
“ c) Đối với các bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo;
d) Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công phần việc do mình thực hiện, không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.”
5. Một nội dung đang chú ý nữa là Nghị định bổ sung thêm nội dung về an toàn công trình được thể hiện cụ thể tại Mục 3 của Nghị định: Đánh giá an toàn công trình.
Phan Văn Châu - Phòng QL XD TNMT