trien-khai-cong-tac-phong-chong-chay-no-tren-dia-ban-kkt-cac-kcn

Triển khai công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn KKT, các KCN

Triển khai công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn KKT, các KCN

Article

Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ có thể xảy ra tại KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh Kon Tum và tại trụ sở làm việc của các đơn vị; đưa công tác phòng chống cháy nổ ngày càng đi vào nề nếp. Thực hiện công văn số 3489/UBND-NC ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Ngày 01/10/2021, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 934BQLKKT-XDTNMT về việc triển khai công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn KKT, các KCN.

Theo đó, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các KCN, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y (sau đây gọi chung là các cơ sở sản xuất); các đơn vị trực thuộc Ban quản lý nghiêm túc tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ sau:

1. Chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban quản lý về công tác PCCC trên địa bàn KKT, các KCN; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ sở.

- Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCC tại cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc duy trì các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra (đặc biệt là việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ); bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ tốt cho công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ theo quy định; Đo điện trở tiếp đất đối với hệ thống chống sét tại các cơ sở sản xuất để có phương án thay thế, bảo dưỡng kịp thời đảm bảo công năng sử dụng theo đúng quy định.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho công nhân, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

- Thành lập, kiện toàn và duy trì hiệu quả hoạt động của Đội PCCC cơ sở. Chủ động liên hệ với Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ thuộc Công an tỉnh để có phương án tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ phù hợp đối với các đội viên đội PCCC đã được thành lập tại cơ sở.

2. Đối với các phòng, đơn vị trực thuộc Ban quản lý:

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác PCCC trên địa bàn tỉnh; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của mỗi đơn vị.

- Tăng cường công tác tự kiểm tra tại chỗ về công tác PCCC tại đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về PCCC tại cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người dân và cán bộ, công chức, nhân viên thuộc phạm vi quản lý. Đơn vị nào để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCC trước Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và trước pháp luật.

- Rà soát, đánh giá thực trạng công tác PCCC tại các trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra, đánh giá thực trạng các phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn cứu hộ, kiến nghị thay thế các phương tiện thiết bị đã hết hạn sử dụng hoặc không còn chức năng sử dụng để đảm bảo công tác PCCC luôn luôn kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy, nổ xảy ra.

- Triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng; nhất là trong công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC đảm bảo công trình phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng cho công trình và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào hoạt động. Khi tham mưu lập và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng KKT, KCN và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch phải đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 và chỉ trình tham mưu phê duyệt đồ án khi đã có văn bản góp ý của cơ quan Cảnh sát PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an tại Văn bản số 3193/BCA-C07 ngày 08/9/2021 về việc công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong KCN, KCX, KCNC, CCN và khu dân cư.

- Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu kinh tế ngoài thực hiện các nội dung trên còn có trách nhiệm thành lập và duy trì hoạt động đội PCCC chuyên ngành và phải trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ theo quy định tại Thông tư 50/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an và TCVN 3890:2009 ngày 01/12/2009 Tiêu chuẩn Quốc gia về phương tiện PCCC cho nhà và công trình- trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

- Giao Phòng Quản lý xây dựng, tài nguyên, môi trường theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, các đơn vị trực thuộc BQL Khu kinh tế thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này; là đầu mối tham mưu báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ quan liên quan khi có đề nghị hoặc yêu cầu./.

Phòng Quản lý XDTNMT

Top page Desktop