viet-nam-tich-cuc-dong-gop-vao-hoat-dong-nhan-quyen-cua-lien-hop-quoc

Việt Nam tích cực đóng góp vào hoạt động nhân quyền của Liên hợp quốc

Việt Nam tích cực đóng góp vào hoạt động nhân quyền của Liên hợp quốc

Article

Ở Việt Nam, những tư tưởng và giá trị của Tuyên ngôn nhân quyền luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, thực thi đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Chưa hết, Việt Nam còn tham gia tích cực, là thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập từ năm 2006 đến nay.

Trong đó, nổi bật là chúng ta đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên cách đây hơn một năm, vào ngày 11/10/2022 tại New York, Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN đã trúng cử với số phiếu cao, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã thúc đẩy thông điệp ứng cử “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, được các nước đồng tình, ủng hộ.


Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (Ảnh minh họa)

 

Trong những ngày đầu tháng 4/2023, tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã hoàn thành chương trình đề ra từ đầu khóa họp với 43 nghị quyết được thông qua, trong đó có Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Nghị quyết là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại khóa họp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền. Nghị quyết đã truyền tải đi nhiều thông điệp lớn và tích cực, trong đó có tăng cường hơn nữa sự hợp tác và tinh thần đoàn kết quốc tế trước tình trạng một số khu vực trên thế giới thời gian qua xung đột, chia rẽ sâu sắc.

Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết vào các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, chúng ta đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam thực sự là điểm sáng, tiên phong trong thực hiện cam kết.

Việt Nam tuân thủ nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Chúng ta đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan công ước quốc tế về quyền con người. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.

Việt Nam luôn cầu thị học hỏi và nỗ lực làm tốt nhất trong vấn đề bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân. Trong một số báo cáo chính thức của Việt Nam trước các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn Việt Nam gặp phải trong công tác nhân quyền, từ đó đề ra những giải pháp để cải thiện trong thời gian tới. Thực tế không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới tự cho mình là bảo đảm tuyệt đối về vấn đề nhân quyền.

Nhưng nhìn về quá khứ, từ một nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, qua hơn 37 năm đổi mới, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12/1948 – 10/12/2023) Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; đẩy lùi những hành động chống phá, luận điệu sai trái, xuyên tạc.

Bởi lẽ, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều lấy con người là trung tâm, phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, phát triển đất nước phồn vinh, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Điều này đã được các văn kiện qua các kỳ đại hội Đảng chỉ rõ, đặc biệt Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Theo https://nhanquyenvn.org/viet-nam-tich-cuc-dong-gop-vao-hoat-dong-nhan-quyen-cua-lien-hop-quoc.html

Ban biên tập trang thông tin điện tử 

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop