tu-hao-manh-dat-nga-ba-bien

Tự hào mảnh đất ngã ba biên

Tự hào mảnh đất ngã ba biên

Article

Mảnh đất cực bắc Tây Nguyên mang trong hành trang đi tới tương lai nét đẹp văn hóa độc đáo và truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc anh em. Năm tháng đi qua, mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông gắn với từng số phận, cuộc đời luôn là những dấu son để lại. So với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm của tỉnh Kon Tum, huyện Ngọc Hồi mới qua 25 dựng xây, song mảnh đất và con người nơi đây rất tin tưởng và kỳ vọng được góp phần điểm tô cho hình hài, vóc dáng vùng ngã ba biên đi lên trong xu hướng hội nhập.

Thị trấn PleiKần hôm nay

Hết mưa, đất trời đã sang mùa khô. Đứng giữa cây cầu Đăk Sú sừng sững, khang trang trên tuyến NT 18  hoành tráng  nối đường Hồ Chí Minh với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, phóng tầm mắt ra xa, thấy núi non, sông suối  trong chiều tà đẹp đến nao lòng. Chỉ tay theo dấu những con đường mòn xa khuất, ông A Xem- Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ngọc Hồi, một người con của dân tộc Xê Đăng trên mảnh đất ngã ba biên giới thân yêu vừa kể, vừa như giải thích. Trước đây, dòng sông mà chiếc cầu Đăk Sú bây giờ bắc qua, có tên gọi là Sê Sụ. Sông Sê Sụ bắt nguồn từ hợp lưu của suối Đăk Hơ Niêng, chảy qua  vùng ngã ba biên, đổ về đất nước Lào anh em. Năm 1954, ở khu vực đầu nguồn Sê Sụ này, đã có những ngôi làng đầu tiên là Phi Pháp, Chiên Chiết (nay thuộc xã Đăk Xú) được hình thành.

Lớn lên, theo cách  mạng và gắn  bó  một phần thời trẻ trai với mảnh đất ngã ba biên giới, ông A Xem  luôn coi sự hiểu biết và những cảm nhận của mình về quê hương là một tài sản tinh thần đáng tự hào. Chỉ riêng về nguồn gốc cái tên “Bến Héc” mà một thời mảnh đất ngã ba biên giới này từng mang,với ông cũng có cội  nguồn rất đặc biệt. Ông kể, khu vực này có vùng núi tên là  “Mô lec”, nghĩa là “đá lửa”. Người địa phương vùng ngã ba biên giới ngày xưa đã lấy tên núi làm tên gọi cho mảnh đất của mình. Mô lec đọc chệch ra, thành “ Bến Héc”. Sau này, khi “Bến Héc” được đổi  thành  “Plei Kần”, thì  ý nghĩa lại  nói về sự hội tụ của các làng nhỏ thành “ làng lớn”. Riêng tên gọi “ Ngọc Hồi” theo  từ gốc Xê Đăng, cũng hàm ý nói đến sự “hội tụ”  của các ngọn núi, sự “hòa hợp”  của con người  ở vùng  ngã ba biên.

Cho dù từng mang những tên gọi khác nhau, nhưng kể từ khi huyện Ngọc Hồi chính thức được thành lập vào ngày 15/10/1991, sau khi tỉnh Kon Tum được chia tách, thành lập lại; mảnh đất ngã ba biên giới ngày càng được mọi người biết đến nhiều hơn. Tuy không còn chứng  tích, song người ta vẫn biết rất rõ vị trí khu căn cứ quân sự, sân bay dã chiến Plei Kần; khu căn cứ quân sự, sân bay dã chiến Đak Siêng của Mỹ ngụy ở khu vực này. Đó, chính là địa bàn chiến lược của vùng ngã ba biên trong chiến tranh. Thế hệ con cháu của những người lính Cụ Hồ năm xưa luôn tự hào về những người con ưu tú của mảnh đất ngã ba biên giới, như ông A Sang (Nguyên Tỉnh đội trưởng, Tỉnh Đội Kon Tum), ông Quân Xuân (nguyên Trinh sát Tỉnh đội Kon Tum), ông B’Loong Keo (nguyên Dân quân du kích xã Đắk Nông), ông A Phê (nguyên Huyện Đội phó H40)… Thế hệ  hôm nay càng tự hào hơn khi Di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Siêng ở làng Đắk Răng, xã Đắk Dục đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tự hào về truyền thống, người Ngọc Hồi càng phấn khởi trước sự chuyển mình của mảnh đất ở vùng tâm điểm khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia sau 25 năm thành lập.            

Từ chưa đầy 12.500 người ngày đầu thành lập, đến nay, huyện Ngọc Hồi đã hình thành 8 xã, thị trấn với hơn 54.700 dân, của 17 dân tộc anh em. Giai đoạn 2010- 2015, kinh tế của huyện đạt tốc độ cao nhất, trên 26%. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.  Tổng thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng từ 24,2 tỷ đồng năm 2000 tăng lên trên 150 tỷ đồng năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng  từ 2,6 triệu đồng năm 2001 lên trên 28 triệu đồng vào cuối năm 2015. Đến cuối năm 2016, toàn huyện dự kiến có 03 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 60% giảm xuống còn dưới 9%. Không chỉ tập trung từng bước hoàn thiện hạ tầng khu hành chính mới, các khu dân cư mới không ngừng được quan tâm phát triển.

Gắn với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi đã và đang nỗ lực tập trung thu hút các nguồn lực  đầu tư để trở thành một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Thời gian qua, trong số 66 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, 27 dự án sản xuất- kinh doanh đã cơ bản được thực hiện với số vốn gần 480 tỷ đồng; 10 dự án đang xây dựng cơ bản vốn đăng ký trên  600 tỷ đồng, vốn thực hiện  30 tỷ đồng; 12 dự án đã được giới thiệu đất, vốn đăng ký hơn 100 tỷ đồng.

Trên cơ sở mở rộng  thị trấn Plei Kần đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4 theo đề án đã được công nhận năm 2015, theo ông Trần Văn Chí- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, mục tiêu xây dựng thị xã Ngọc Hồi vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ 15 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 6 đang dần trở thành hiện thực.

Đi lên từ điểm tựa lịch sử, truyền thống quý giá, mảnh đất và con người Ngọc Hồi  hôm nay càng thêm tự hào là nơi gặp gỡ, hội tụ, chung tay xây dựng cuộc sống mới của cộng đồng nhiều dân tộc anh em. Với tiềm  năng và thế mạnh riêng có của mình, vùng ngã ba biên đang dang rộng vòng tay kết nối, giao hòa để dựng xây và đi lên cùng bè bạn trong khu vực Tam giác phát triển và hành lang kinh tế Đông Tây./.

Theo kontum.gov.vn

 

Từ khóa:

Top page Desktop