trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-tinh-ky-vong-mang-lai-nhieu-loi-ich-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-thu-hut-dau-tu

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh: Kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh: Kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Article

Không cần phải chạy lòng vòng tới các cơ quan khác nhau để giải quyết hồ sơ như trước, từ tháng 6 tới, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum đi vào hoạt động (số 70, đường Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum), dự kiến sẽ có trên 1.000 thủ tục trong tổng số trên 1.500 thủ tục hành chính cấp tỉnh sẽ được tập trung giải quyết tại đây.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã ký ban hành Quyết định 359/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh Kon Tum. Sự ra đời của Trung tâm được xem là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0 và thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục, hứa hẹn thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Kon Tum.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum thực hiện 3 chức năng: Là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh đối với các tổ chức và cá nhân; tham mưu công tác quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Thực hiện các chức năng thông tin, công báo, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và hỗ trợ, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư của Nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm gồm có Giám đốc là lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và không quá 02 Phó Giám đốc chuyên trách do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm. Trung tâm gồm 03 bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; Bộ phận Kiểm soát thủ tục hành chính; Bộ phận Thông tin.

Ngoài biên chế công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao và nằm trong tổng số biên chế công chức, số lượng người làm việc của Văn phòng UBND tỉnh; Trung tâm còn có các nhân sự là công chức, viên chức do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, đơn vị ngành dọc cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh cử đến làm việc theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP.

Cải cách hành chính được xác định là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh Kon Tum trong năm 2019 của tỉnh. Vì vậy, triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử ; UBND tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch, Quyết định như Kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo các nhiệm vụ được giao; Quyết định Thành lập Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh…

Đây là cơ sở để tập trung, phối hợp với các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng thống nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử của tỉnh để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết được đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt, từng bước đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính.

Toàn tỉnh có 20/20 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh (kể cả Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh), 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102/102 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông với 1.392 thủ tục, trong đó có 134 thủ tục giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Năm 2018 các đơn vị cấp tỉnh đã giải quyết 118.205 hồ sơ.

Tại cấp huyện, thành phố, có 308 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 72 thủ tục giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông. Năm 2018 của các huyện thành phố giải quyết được 29.091 hồ sơ thủ tục hành chính.

Tỉnh Kon Tum đã đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ nhu cầu giao dịch trực tuyến của các cá nhân, tổ chức. Đến nay, đã cung cấp 31 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 04 dịch vụ công mức độ 4; 08 đơn vị cấp tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh gồm các Sở: Công Thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế; có 03 huyện đã cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh gồm: Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy.

Nhìn chung thực trạng triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn thấp so với nhiều địa phương khác trong cả nước và số hồ sơ phát sinh trên hệ thống dịch vụ công chưa cao. Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tiếp nhận 364 hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức.

Hiện nay chỉ có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh xã hội và UBND huyện Đăk Tô sử dụng phần mềm một cửa điện tử nội bộ tại đơn vị để theo dõi hồ sơ một cửa, tuy nhiên các phần mềm này chỉ đáp ứng được yêu cầu giải quyết thuận tiện công việc và thống kê số liệu trong nội bộ đơn vị, chưa liên thông và chia sẻ được dữ liệu; các đơn vị còn lại trên toàn tỉnh vẫn tiếp nhận và quản lý hồ sơ bằng thủ công, không sử dụng phần mềm để theo dõi.

Nhìn chung, các ngành, các địa phương trong tỉnh chưa quyết liệt trong công tác cải cách hành chính; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực, khâu chưa tốt; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số đơn vị còn mang tính hình thức; việc công khai thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn hạn chế; công tác công khai thủ tục hành chính, đặc biệt ở cơ sở thực hiện chưa đảm bảo, còn hình thức; công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện cải cách hành chính chưa đi vào chiều sâu…

Vì vậy, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum được thành lập và đưa vào hoạt động, việc tiếp nhận và trả kết quả sẽ được tập trung tại một đầu mối nhằm cụ thể hóa việc xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh Kon Tum, vừa là cách làm mới để nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của các Sở, ban ngành cấp tỉnh, hỗ trợ thực hiện các thủ tục đầu tư, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, công dân, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ hành chính, nhất là các thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều đơn vị.

Đồng thời, việc triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân; đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, tăng tính minh bạch của các cơ quan, đơn vị, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức của người dân và các tổ chức. Thông qua nền hành chính minh bạch, hiệu quả sẽ góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện, tạo tiền đề quan trọng để phát triển bền vững./.

BBT tổng hợp

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop