trien-khai-thuc-hien-cac-linh-vuc-dot-pha-trong-nam-2019

Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019

Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019

Article

Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Chỉ thị 20-CT/TU về “Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”. Đây là Chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chỉ đạo triển khai 3 khâu đột phá của tỉnh, càng cho thấy quyết tâm của Đảng bộ tỉnh đưa Kon Tum phát triển toàn diện, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV (ngày 9/10/2018), sau khi nghe Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2019 và ý kiến của các đại biểu thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kết luận: Năm 2018, với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng (tổng sản phẩm xã hội, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt kế hoạch được giao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng lên). Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; thu nhập của người dân tuy được nâng lên nhưng vẫn còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất trong năm 2019 cấp ủy các cấp trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã thống nhất các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu trong năm 2019: tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh đạt khoảng 9,3%; cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản 25-26%, công nghiệp-xây dựng 26-27%, thương mại-dịch vụ 39-40%; thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn khoảng 2.400 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 137 triệu USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 giảm từ 3-4% so với cuối năm 2018; có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỷ lệ độ che phủ rừng 62,3%.

Để tạo bước phát triển, Tỉnh ủy cũng đã xác định 3 khâu đột phá: tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp-đô thị-dịch vụ; phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đồng thời bảo tồn, đầu tư phát triển có hiệu quả những loại cây dược liệu, nhất là dược liệu dưới tán rừng và có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, đẳng sâm Kon Tum và các sản phẩm đặc hữu khác; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, ngày 9/1/2019, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 20-CT/TU về “Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”.

Sau khi được ban hành, Chỉ thị đã được Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực đột phá của tỉnh trong năm 2019.

Ở bước đột phá thứ nhất, tập trung phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thủy lợi, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, hệ thống nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới nước nhỏ giọt...); rà soát các sản phẩm chủ lực của tỉnh để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, giá trị gia tăng, tiếp cận dần với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các loại dược liệu khác mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế; thực hiện tốt chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng cánh đồng lớn phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển dược liệu, từng bước hình thành các vùng chuyên canh trồng dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh và từng địa phương; tiếp tục thu hút đầu tư trồng, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum tiếp cận thị trường quốc tế.

Bước đột phá thứ hai đó là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó tiến hành rà soát, tập trung chỉnh trang, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị hiện có đảm bảo xanh-sạch-đẹp-văn minh-hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự đô thị; quy hoạch quỹ đất để đầu tư xây dựng các khu công viên, cây xanh, các công trình phúc lợi xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng mở rộng không gian đô thị, từ đó thu hút, đầu tư xây dựng các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, trung tâm thương mại, các khu du lịch-đô thị sinh thái nghỉ dưỡng và các cụm công nghiệp-đô thị-dịch vụ; rà soát tiềm năng, lợi thế của từng xã, phường, thị trấn để tạo ra hạt nhân phát triển và đầu tư, hình thành các khu đô thị mới; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm.

Bước đột phá thứ ba là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, công chức, công vụ với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến; sớm hình thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và kiện toàn, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, cản trở thuộc thẩm quyền của các địa phương, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; thường xuyên thanh tra, khắc phục, xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Điều vui mừng, phấn khởi là sau khi Chỉ thị được ban hành đã được cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội đánh giá cao về những quyết sách của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV, thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá đưa Kon Tum phát triển.

Theo baokontum.com.vn

Từ khóa:

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop