Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn Khu kinh tế, các Khu công nghiệp.
Qua kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Miền Trung và Tây Nguyên (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) tại Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu kinh tế và KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai đã chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt trong công tác quản lý môi trường nội vi và công tác tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý công tác đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp.
Để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, chất thải và bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, bụi, khí thải, chất thải rắn. Ngày 11 tháng 10 năm 2024 Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có Văn bản số 1243/BQLKKT-XDTNMT yêu cầu Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nghiêm túc tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.
* Về công tác quản lý, thu gom xử lý bụi, khí thải trong quá trình sản xuất kinh doanh: Yêu cầu chủ các cơ sở có các biện pháp thu gom, xử lý triệt để nhằm hạn chế phát tán bụi, khí thải và mùi ra môi trường xung quanh; Có phương án để hạn chế tiếng ồn gây tác động đến xung quanh; Có biện pháp che chắn, giảm thiểu bụi phát sinh từ công đoạn băm, nghiền, sấy, nén nguyên liệu; Vận hành đầy đủ hệ thống xử lý mùi, khí thải đúng với hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;
Thường xuyên nâng cấp, bảo trì bảo dưỡng hệ thống ống khói và hệ thống tháp khử mùi bằng nước đảm bảo đúng theo thiết kế đã được phê duyệt để xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
* Về quản lý nước thải:
- Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu kinh tế: Tiến hành rà soát việc thu gom, đấu nối nước thải từ các doanh nghiệp trong KCN, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý;
Chủ trì yêu cầu, giám sát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong KCN thực hiện ngay việc cắm bổ sung các biển báo điểm đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong KCN để tăng cường tính nhận diện và phòng ngừa, thuận lợi trong công tác ứng phó sự cố môi trường phát sinh nếu có;
Rà soát lại các biên bản thỏa thuận đấu nối hoặc các hợp đồng đấu nối nước thải đã ký với các cơ sở sản xuất trong KCN, nếu cần thiết thì phải điều chỉnh lại các thỏa thuận hay hợp đồng này theo hướng đưa tất cả lượng nước thải phát sinh của cơ sở trong KCN (kể cả nước thải sinh hoạt phát sinh từ bể tự hoại 3 ngăn, nước thải từ chậu rửa, lavabo) đấu nối, thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN để tiếp tục xử lý theo quy định;
Thực hiện rà soát hệ thống thoát nước mưa của KCN, khắc phục các điểm bị xuống cấp; định kỳ nạo vét, duy tu bảo dưỡng để đảm bảo công năng hoạt động;
Nghiên cứu xây dựng lại quy trình xử lý nước thải với chế độ vận hành theo mẻ để phù hợp với thực tế khối lượng nước thải thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung; thường xuyên kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng các máy móc thiết bị đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và nước thải sau xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
- Các cơ sở sản xuất trong KCN, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y: Xây dựng, vận hành đầy đủ hệ thống xử lý nước thải cục bộ trong khuôn viên doanh nghiệp (có bể lắng cặn, bụi; chắn rác, lọc giảm cặn…); tiến hành thu gom triệt để và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN theo như đúng thỏa thuận đấu nối giữa đại diện Chủ cơ sở và Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu kinh tế.
Tiến hành bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải và tiến hành xử lý đạt đúng theo quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Tuyệt đối không được pha lẫn giữa nước mưa và nước thải, không được xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường;
Lượng nước thải phát sinh trong phạm vi cơ sở phải đấu nối triệt để về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Trong đó lưu ý lượng nước thải sinh hoạt sau xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại 3 ngăn và nước thải từ hệ thống chậu rửa, lavabo phải thiết kế, lắp đặt đường ống đấu nối trực tiếp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, nghiêm cấm việc để tình trạng nước thải sinh hoạt tự thấm vào môi trường đất như hiện nay.
Thực hiện ngay việc cắm bổ sung các biển báo điểm đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong KCN để tăng cường tính nhận diện và phòng ngừa, thuận lợi trong công tác ứng phó sự cố môi trường phát sinh nếu có.
* Về quản lý chất thải rắn: Tiến hành phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà xưởng, không để rơi vãi bụi, mùn cưa tại khu sân bãi làm tăng nguy cơ phát tán bụi ra môi trường; Liên hệ, hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại theo quy định.
* Về một số nội dung khác: Việc lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo hướng dẫn của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tại Văn bản số 479/BQLKKT-XDTNMT ngày 20/5/2022 về việc lập thủ tục cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Văn bản số 576/BQLKKT-XDTNMT ngày 14/6/2023 về việc lập thủ tục cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Văn bản số 1068/BQLKKT-XDTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2024 về việc lập thủ tục cấp giấy phép môi trường (Thời gian phải thực hiện đến hết ngày ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020);
Bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, chủ động phòng ngừa và huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có) nhanh chóng, hiệu quả; báo cáo kịp thời tới các cơ quan chuyên trách ứng phó các sự cố liên quan (phòng chống cháy nổ, hóa chất, vận chuyển hàng nguy hiểm...) và phối hợp trong công tác ứng phó, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có sự cố;
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu có thay đổi về quy mô, công suất dẫn đến sự thay đổi tác động môi trường, chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện các thay đổi này khi có văn bản chấp thuận của các cơ quan chức năng liên quan theo quy định.
Nguyễn Thanh Dao (Văn phòng)