tang-cuong-vai-tro-trach-nhiem-cua-thu-truong-cac-co-quan-don-vi-trong-theo-doi-trien-khai-thuc-hien-cac-nhiem-vu-duoc-giao

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong theo dõi, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong theo dõi, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao

Article

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành chỉ thị số số 06/CT-UBND ngày 05/8/2019 Về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong theo dõi, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

1. Thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian yêu cầu đối với các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao; tiếp tục triển khai áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) tại cơ quan, đơn vị và việc sử dụng chữ ký số, gửi, nhận văn bản điện tử đảm bảo theo lộ trình chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền và lĩnh vực được phân cấp, cụ thể:

a) Chủ động quyết định theo thẩm quyền các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình lên Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc chuyển trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị khác; không giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ngang sở khác (trừ trường hợp phối hợp xử lý theo quy định hoặc theo chỉ đạo, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, các Phó Chủ tịchy ban nhân dân tỉnh). Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền hoặc tuy đúng thẩm quyền nhưng nội dung phức tạp, có tính liên ngành, đã phối hợp xử lý nhưng vẫn không thống nhất được thì trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

b) Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề thực tiễn phù hợp với chủ trương, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực, trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

3. Có biện pháp, giải pháp cụ thể để theo dõi và thực hiện có hiệu quả việc rà soát và thực hiện đảm bảo các quy trình, thủ tục, hồ sơ trình, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:

a) Nội dung, công việc trình phải đúng thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và phải được ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì theo đúng Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh; trường hợp có phát sinh đột xuất thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị trình ủy quyền cho cấp phó và chịu trách nhiệm về nội dung trình ký đó. Không gửi, trình Ủy ban nhân dân tỉnh (kể cả ở phần nơi nhận) đối với các nội dung chưa có ý kiến hoặc đang gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan. 

b) Đối với các nội dung được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh là Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thì Người đứng đầu cơ quan cơ quan chuyên môn phải trực tiếp chỉ đạo và ký các văn bản triển khai có liên quan, không được phép ủy quyền cho cấp phó.

c) Hồ sơ trình có nội dung mật thì chỉ gửi văn bản giấy và thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với hồ sơ trình có nội dung quy phạm pháp luật phải thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn khác có liên quan.

d) Các cơ quan chuyên môn khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết bằng văn bản hành chính, hồ sơ trình phải đảm bảo các thành phần và nội dung sau:

- Văn bản trình của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, lưu ý: Nêu rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và ý kiến tham mưu, đề xuất của cơ quan trình. Đối với các nội dung trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý bằng văn bản hành chính thì đơn vị chủ trì phải sử dụng thể thức văn bản là tờ trình hoặc công văn để trình, không dùng thể thức báo cáo.

- Văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan, đơn vị và văn bản của cơ quan thẩm định theo quy định của pháp luật (nếu có);

- Dự thảo văn bản hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (quyết định, chương trình, kế hoạch, báo cáo, chỉ thị, công văn...) có chữ ký tắt hoặc đóng dấu treo của cơ quan trình (đối với dự thảo văn bản điện tử phải có chữ ký số của tổ chức).

- Các tài liệu cần thiết khác có liên quan theo quy định của pháp luật (nếu có);

đ) Đối với hồ sơ trình yêu cầu phải có sự tham gia ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị thì cơ quan được giao chủ trì phải nêu rõ ý kiến của các cơ quan, đơn vị trong văn bản trình và đề xuất, kiến nghị cụ thể; trường hợp có nhiều ý kiến, phương án khác nhau thì cơ quan chủ trì phải đề xuất ý kiến, phương án lựa chọn cụ thể và chịu trách nhiệm về nội dung, phương án lựa chọn.

e) Việc gửi, tiếp nhận, xử lý hồ sơ trình phải bám sát lộ trình triển khai Chính quyền điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước và Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh và các quy định ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Thực hiện đảm bảo, đầy đủ các nội dung liên quan đến quan hệ giữa đơn vị mình với các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, theo dõi chặt chẽ việc giải quyết các mối quan hệ với người dân đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thời gian hoặc trước thời gian quy định.

b) Chịu trách nhiệm trong kiểm tra việc thực hiện chế độ trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khi xử lý các mối quan hệ với người dân.

5. Tổ kiểm tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét chấn chỉnh, xử lý các trường hợp chậm trễ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

BBT tổng hợp

Top page Desktop