Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay
Bài học về phát huy sức mạnh toàn dân, bài học về tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ trong cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa lịch sử đến hôm nay…
Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về cho Nhân dân, xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Cuộc cách mạng Tháng Tám đã diễn ra thành công trong cả nước. Và ngày 25-8-1945 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Nhân dân các dân tộc Kon Tum trong bước ngoặt lịch sử của cả dân tộc. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam nói chung, Nhân dân các dân tộc Kon Tum nói riêng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội... Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến; đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập do tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Bài học về phát huy sức mạnh toàn dân, bài học về tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ trong cách mạng Tháng Tám được chứng minh bằng những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; thắng lợi oanh liệt của cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; trong sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước với cuộc hành trình từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vượt qua bao vây, cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử để đến hôm nay, đất nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang thực hiện mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Riêng với Kon Tum, một tỉnh nằm ở Bắc Tây Nguyên, nơi ngã ba Đông Dương; là tỉnh có vị trí địa lý chính trị quan trọng của khu vực và cả nước; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Kon Tum đã đoàn kết, anh dũng trong kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi to lớn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Kon Tum, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước; với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, đã khắc phục những khó khăn chung do tàn tích của 30 năm chiến tranh và những khó khăn riêng do điều kiện địa lý, tự nhiên tương đối khắc nghiệt, từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội và đạt được những thành tựu to lớn.
Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đạt những thành tựu nhất định; bên cạnh những thuận lợi, không ít khó khăn đặt ra đối với sự phát triển của đất nước, mà trước mắt là đại dịch COVID-19. Trước và trong đại dịch này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau.
Ngay khi dịch bùng phát ở nước láng giềng Trung Quốc, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã xác định quyết tâm chính trị cao, coi “chống dịch như chống giặc” và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong cuộc chiến này. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch được thành lập từ Trung ương đến địa phương; công tác phòng chống dịch được triển khai thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ tham gia của Nhân dân cả nước. Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Kon Tum thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương; chủ động, linh hoạt ứng phó và không lơ là trước dịch bệnh. Việt Nam đã trải qua đợt dịch bùng phát lần thứ nhất với kết quả không để ca nhiễm nào tử vong.
Đến thời điểm hiện nay, khi dịch diễn biến phức tạp trên thế giới với con số trên 21 triệu người mắc, gần 800 nghìn người tử vong và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Việt Nam, điểm bùng phát dịch bệnh lần này là một bệnh viện, liên quan đến nhiều bệnh nhân đang mắc các bệnh lý nền nguy hiểm. Do đó, việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch khó khăn hơn rất nhiều; con số người mắc đã lên đến 964 ca/ 24 ca tử vong (tính đến hết ngày 16/8). Đảng, Chính phủ đã và đang kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp phù hợp. Dù bằng biện pháp nào, tinh thần đoàn kết toàn dân “chống dịch như chống giặc” và “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch” được Đảng, Chính phủ xác định là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Một lần nữa tinh thần, quyết tâm của toàn dân tộc trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo tuyengiaokontum.org.vn
BBT trang thông tin điện tử