Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum
Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức từ ngày 22-25/9/2020 tại Hội trường Ngọc Linh, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
QUYẾT NGHỊ
I. Tán thành những nội dung đánh giá tình hình 5 năm 2015-2020 và mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cơ bản 5 năm 2020-2025 nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội:
1. Về đánh giá tình hình 5 năm 2015-2020, Đại hội khẳng định nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá (bình quân 9,13%/năm) với cơ cấu khá hợp lý. Chất lượng nguồn nhân lực và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; chính trị xã hội ổn định; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng.
Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; qui mô kinh tế còn nhỏ; hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm còn thấp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có lúc, có nơi chưa tốt. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; công tác đào tạo nghề, bố trí việc làm sau đào tạo còn hạn chế. An ninh nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp, lấn chiếm đất đai và việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có nơi, có vụ việc phức tạp. Công tác vận động quần chúng hiệu quả chưa cao.
2. Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2020-2025, Đại hội nhất trí:
2.1. Mục tiêu
a. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; củng cố niềm tin của Nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
b. Các chỉ tiêu chủ yếu
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng nông-lâm-thuỷ sản 19-20%, công nghiệp-xây dựng 32-33%, thương mại-dịch vụ 42-43%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD); Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025.
- Đến năm 2025: Quy mô dân số khoảng 620.000 người; trên 60% lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; có 60 xã (70,5% số xã) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 85%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 64%.
- Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hằng năm đạt trên 90%. Đến năm 2025, có trên 80% xã, phường, thị trấn mạnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Đến năm 2025, kết nạp trên 5.000 đảng viên mới. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 75%. Trên 76% quần chúng được tập hợp vào các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội.
2.2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
2.2.1. Thực hiện tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh
Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao rõ rệt chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI). Chủ động, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; rà soát, chuẩn bị quỹ đất với quy mô phù hợp tại các huyện, thành phố để thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 1.500 doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và hợp tác xã kiểu mới.
Rà soát, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ tại các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum và những địa bàn có điều kiện. Phấn đấu đến năm 2025, ổn định diện tích trồng sắn toàn tỉnh khoảng 34.100 ha; diện tích cà phê khoảng 25.000 ha, sản lượng khoảng 60.705 tấn, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 350 tấn; ổn định diện tích cao su khoảng 70.000 ha, sản lượng mủ đạt 105.000 tấn. Đồng thời rà soát, chuyển đổi một số diện tích trồng cao su và các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở những nơi có điều kiện, phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000 ha. Rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để nghiên cứu, xác định mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ, hình thành một số vùng trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.
Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Bố trí diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn. Phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Phát triển chăn nuôi đại gia súc (bò, dê) lấy thịt, lấy sữa tại các huyện Sa Thầy, Kon Plông và một số vùng có điều kiện; nuôi trồng thủy sản tại các huyện Ia H'Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Plông và những nơi có diện tích mặt nước lớn.
Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng cho người dân, cộng đồng dân cư; gắn việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái; khuyến khích người dân nhận khoán và trồng rừng đối với các diện tích rừng nghèo. Tiến hành đánh giá mô hình trồng và phát triển rừng bền vững (FSC) của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô để nhân rộng. Rà soát diện tích đất lâm nghiệp còn trống, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và các dự án không hiệu quả để trồng lại rừng, trong đó, lựa chọn trồng các cây lấy gỗ có chu kỳ sinh trưởng nhanh, các loại cây gỗ quý, đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu theo quy hoạch gắn với thu hút phát triển nhà máy chế biến lâm sản, phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng.
Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu và năng lượng tái tạo. Nâng cao chất lượng xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD.
Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú; tăng cường quảng bá, xây dựng Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong khu vực, trong nước và quốc tế. Hình thành các tour du lịch cộng đồng tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Ngọc Hồi, Sa Thầy gắn với tour du lịch chinh phục núi Ngọc Linh, Cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; nâng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người vào năm 2025.
2.2.2. Tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại
Rà soát xác định lại các vùng kinh tế động lực của tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo sự lan tỏa cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh nguồn tài lực, vật lực của tỉnh. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị mới. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các công trình hạ tầng tại khu trung tâm hành chính của tỉnh, các dự án thương mại, dịch vụ. Rà soát, thu hồi một số diện tích trồng cao su, cà phê tại các vị trí thuận lợi đã hết chu kỳ khai thác để quy hoạch phát triển đô thị. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các dự án về lĩnh vực hạ tầng thương mại, dịch vụ, nhất là các dự án hậu cần xuất nhập khẩu (Logistics) tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; huyện Ngọc Hồi sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2025, trung tâm huyện lỵ các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đạt tiêu chí đô thị loại V.
2.2.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội.
Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 60% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 44%. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động tại chỗ gắn với nhu cầu của thị trường lao động và các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát huy tốt năng lực; nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Câu lạc bộ trí thức tỉnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu trên 50% số trường mầm non, 70% số trường tiểu học, 50% số trường trung học cơ sở, 55% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng đào tạo từ bậc trung học cơ sở, phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề lên 40%. Khuyến khích và tạo điều kiện, phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện có ít nhất 01 trường dân lập, tư thục chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tập trung đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I (750 giường bệnh); Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi (250 giường bệnh); Bệnh viện huyện Ia H’Drai (60 giường bệnh); Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (165 giường bệnh); Bệnh viện tâm thần quy mô 100 giường bệnh gắn với đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập chất lượng cao; nâng cao năng lực và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng; tăng cường hợp tác, liên kết khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế trong tỉnh với các bệnh viện có chất lượng cao trong nước. Quy hoạch phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đến năm 2025, nâng tuổi thọ bình quân đạt 68 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 34%. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch. Đầu tư đồng bộ và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phấn đấu đến năm 2025, 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 90% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng; chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao mà tỉnh có thế mạnh.
Rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học, công nghệ tỉnh; hình thành một số trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Triển khai chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước; xây dựng thành phố Kon Tum thành đô thị thông minh. Nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thông, xuất bản, báo chí; đa dạng hóa về nội dung và tăng cường thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương trên các phương tiện truyền thông.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, nhất là giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, 20% trở lên hộ dân tộc thiểu số tham gia vào hợp tác xã; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên liệu, vật liệu mới, thân thiện với môi trường; có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường.
2.2.4. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, dự báo tình hình; chủ động đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh xóa bỏ triệt để tà đạo Hà Mòn. Quản lý chặt chẽ đất quốc phòng gắn với rà soát, chuyển một số diện tích đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế, xã hội.
Chú trọng công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh mạng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào "toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; đẩy mạnh đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, không để hình thành tội phạm có tổ chức, băng nhóm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Tiếp tục tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên của Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Phối hợp đề nghị xem xét, sớm mở cửa khẩu Hồ Le và những nơi đủ điều kiện, nâng cấp các cặp cửa khẩu Đăk Kôi - Kon Tuy Neak, Đăk Blô - Đăk Bar thành cửa khẩu chính. Nghiên cứu thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương của Pháp và các nước Âu-Mỹ có thế mạnh về du lịch, quy hoạch và quản lý đô thị; thực hiện có hiệu quả nội dung hợp tác đã ký kết...
2.2.5. Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ
Tiếp tục đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp có bản lĩnh, trình độ, có lý luận sắc bén, kỹ năng tham mưu xử lý khủng hoảng truyền thông, khả năng tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên mạng xã hội.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả NQTW 4 khóa XII, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Đảng về nêu gương; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ và công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ hằng năm; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất là đối với cấp cơ sở.
Thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất việc tự phê bình và phê bình hằng năm. Tiếp tục đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên gắn với rà soát, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đội ngũ thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố và chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, phấn đấu đến năm 2025, trên 90% thôn trưởng là đảng viên, 70% bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố.
Triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; trong đó, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra của tổ chức đảng, tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cơ quan có chức năng tư pháp, quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục rà soát, lồng ghép các chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, tránh chồng chéo, trùng lắp.
Tăng cường, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền. Thực hiện tốt Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh; quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp; duy trì việc lồng ghép hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân 3 cấp trên cùng một địa bàn; tăng cường hoạt động chất vấn tại các kỳ họp hội đồng nhân dân và các phiên giải trình của thường trực hội đồng nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giám sát; tập trung giám sát chuyên đề, giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hành chính cho công chức, viên chức; rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính; hình thành trung tâm hành chính công cấp huyện, xây dựng thành công chính quyền điện tử của tỉnh.
2.2.6. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội. Phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan Nhà nước trong công tác giám sát, phản biện xã hội, vận động quần chúng; xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng, trong các dân tộc, tôn giáo; xây dựng và thực hiện mô hình “Tổ nhân dân tự quản” tại trên 80% khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
II. Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV và thống nhất với những định hướng lớn trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI cần phát huy ưu điểm, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, bảo đảm lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.
III. Thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để báo cáo Trung ương theo quy định.
IV. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI gồm 50 đồng chí và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 15 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cơ quan tham mưu giúp việc Trung ương để chuẩn y theo quy định.
V. Giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh và trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khẩn trương xây dựng chương trình công tác toàn khóa, các kế hoạch công tác để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.
*
* *
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Quyết tâm “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững", góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.