ket-qua-trong-cong-tac-quan-ly-bien-gioi-tren-dia-ban-tinh-nam-2020-va-nhiem-ky-dai-hoi-xii

Kết quả trong công tác quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh năm 2020 và nhiệm kỳ Đại hội XII

Kết quả trong công tác quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh năm 2020 và nhiệm kỳ Đại hội XII

Article

Trong năm 2020 và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài 292,522 km (giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3 km); khu vực biên giới gồm 13 xã thuộc 04 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H'Drai. Trong năm 2020 và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa xây dựng kế hoạch, chương trình chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân các huyện, xã biên giới có điều kiện phát triển kinh -xã hội, tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc và đấu tranh tố giác tội phạm khu vực biên giới. Xác định công tác tuyên truyền, vận động quần chúng dọc tuyến biên giới nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tham gia vào công tác quản lý biên giới là nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, giao lưu hữu nghị, tạo tiền đề vững chắc để góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị. Cấp ủy, chính quyền các xã biên giới đã phối hợp tốt với các Đồn Biên phòng để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế biên giới của mỗi nước và các thỏa thuận chung của hai Chính phủ; vận động quần chúng nâng cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên, khai thác gỗ lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm qua biên giới. Phát động triển khai phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, tự quản an ninh, trật tự thôn làng, xây dựng thôn làng văn hóa, tổ chức làm kinh tế giỏi; tổ chức ký kết phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Các huyện biên giới đã làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, thường xuyên gặp gỡ trao đổi đoàn qua lại; thăm, chúc mừng nhân dịp Lễ, Tết cổ truyền dân tộc hai bên; mở rộng quan hệ hợp tác với chính quyền và nhân dân cụm (bản) dân cư các huyện biên giới phía đối diện của Lào, Campuchia; tạo điều kiện cho nhân dân tại các thôn (bản) giáp biên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh.

Bộ đội biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức "Ngày hội Biên phòng toàn dân" hằng năm ở tất cả các xã biên giới nhằm biểu dương, cổ vũ, động viên nhân dân, các lực lượng cùng tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Phối hợp triển khai công tác tuyên truyền 02 văn kiện pháp lý về biên giới Việt Nam - Lào và 02 văn kiện pháp lý biên giới Việt Nam - Campuchia, kết quả hoạt động phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, làm đường tuần tra biên giới Lào, đường vành đai biên giới Campuchia; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Chủ động quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện của Lào và Campuchia trao đổi thông tin, tình hình, phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là ngăn chặn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kiểm soát xuất, nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho các Công ty của Việt Nam sang Lào, Campuchia hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Phối hợp ngăn chặn hoạt động di cư tự do và thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do kết hôn không giá thú trong vùng biên giới; tiếp nhận 3.276 công dân Việt Nam nhập cảnh từ Lào về qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y; xử lý 38 vụ/171 đối tượng công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép từ Lào về; duy trì thường xuyên 24/24 giờ đối với 66 tổ, chốt/445 cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới .

Tuy nhiên, là tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng được đầu tư chưa đồng bộ, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn; đời sống của nhân dân khu vực biên giới còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình rộng, sống phân tán gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương trong tình hình mới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là: Ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới; hỗ trợ vốn vay cho nhân dân phát triển kinh tế; tạo việc làm cho lao động nông thôn tham gia lao động sản xuất trong doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, nhằm nâng cao mức thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Hai là: Đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thường xuyên phát động triển khai phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, tự quản an ninh, trật tự thôn làng, xây dựng thôn làng văn hóa, tổ chức làm kinh tế giỏi. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.

Ba là: Tăng cường công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương khu vực biên giới với lực lượng biên phòng; phát huy vai trò uy tín của già làng, trưởng thôn trong cộng đồng dân cư khu vực biên giới để thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đồng thời tham gia quản lý đường biên, cột mốc.

Bốn là: Thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân; tăng cường quan hệ hữu nghị với chính quyền và nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới của Lào và Campuchia; phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức tuần tra song phương, đa phương; tuyên truyền vận động nhân dân khu vực biên giới của các bên tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chống vượt biên, chống xâm nhập, lấn chiếm biên giới, xâm canh, xâm cư và phòng, chống tội phạm.

Năm là: Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tốt các vấn đề an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở.
Sáu là: Kết hợp linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua sách, báo, tài liệu, pa nô, áp phích, tờ rơi; chú trọng tổ chức tuyên truyền phù hợp như: tuyên truyền miệng, hệ thống loa truyền thanh không dây ở cơ sở.

Theo http://www.tuyengiaokontum.org.vn/tuyen-truyen-van-hoa-van-nghe/ket-qua-trong-cong-tac-quan-ly-bien-gioi-tren-dia-ban-tinh-nam-2020-va-nhiem-ky-dai-hoi-xii-2994.html

BBT trang thông tin điện tử

Top page Desktop