ke-hoach-phuc-hoi-phat-trien-hoat-dong-du-lich-thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19-dia-ban-tinh-kon-tum

Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 địa bàn tỉnh Kon Tum

Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 địa bàn tỉnh Kon Tum

Article

Ngày 15/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 724/KH-BQLKKT phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 địa bàn tỉnh. Nội dung kế hoạch xác định:

I. ĐỊNH HƯỚNG PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN

1. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh

Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn các huyện, thành phố, cụ thể: Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch mua sắm (các sản phẩm OCOP của địa phương), du lịch MICE; Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; Du lịch nông nghiệp, nông thôn; Du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn…

2. Định hướng phát triển thị trường khách du lịch

Tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi; tổ chức khai thác thị trường khách du lịch quốc tế theo quá trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, cụ thể:

- Thị trường khách nội địa: Tập trung khai thác thị trường khách là người dân đang sinh sống làm việc trên địa bàn tỉnh và mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm miền Trung, Tây Nguyện, miền Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội.

- Thị trường khách quốc tế: Các thị trường khách cho phép công dân được đi nước ngoài, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như: Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Châu Úc,… (theo tình hình thực tế).

3. Lộ trình triển khai

- Giai đoạn 1: Từ ngày 15 tháng 3 năm 2022: Tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép mở cửa lại toàn bộ các hoạt động du lịch. Các hoạt động du lịch tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của tỉnh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh.

- Giai đoạn 2: Từ Quý II năm 2022 trở đi: Dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch COVID-19. Triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình, quy định của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vắc xin cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước

1.1. Đảm bảo an toàn tại các điểm đến và khách du lịch

- Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn tại các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh theo các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh.

- Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc triển khai tiêm chủng vắc xin cho người từ 12 tuổi đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và theo chỉ tiêu yêu cầu của Chính phủ; đảm bảo khách du lịch và người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch tiêm đủ liều vắc xin khi tham gia hoạt động du lịch.

1.2. Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường

- Sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái tự nhiên: Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông); Điểm du lịch Epic Spa (huyện Kon Rẫy); Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy); Điểm du lịch sinh thái Làng chài (huyện Ia H’Drai); Điểm du lịch sinh thái Thác Siu Puông (huyện Tu Mơ Rông).

- Sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (huyện Kon Plông); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Lor, Điểm du lịch A Biu (thành phố Kon Tum); Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà).

- Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn: Điểm du lịch ÊBan Farm; Điểm du lịch Thiện Mỹ Farm; Trung tâm ứng dụng công nghệ cao (huyện Kon Plông).

- Sản phẩm du lịch di tích lịch sử, văn hóa: Bảo tàng tỉnh, Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (thành phố Kon Tum); Di tích lịch sử Danh thắng Măng Đen (huyện Kon Plông); Di tích lịch sử Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy); Di tích lịch sử Điểm cao 1015 (Charlie, Sạc Ly) và Điểm cao 1049 (Delta) (huyện Sa Thầy); Di tích lịch sử Điểm cao 601 (huyện Đăk Hà); Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân cảnh (huyện Đăk Tô); Di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi); Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy (huyện Tu Mơ Rông).

- Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh: Chùa Khánh Lâm, khu đồi Đức Mẹ (huyện Kon Plông); Nhà Thờ gỗ, Chùa Bác Ái… (thành phố Kon Tum).

- Khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, dù lượn tại các huyện, thành phố gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá; dịch vụ du lịch đi xe đạp, đi bộ tham quan hệ sinh thái rừng, khách du lịch theo gia đình; tour du lịch khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đối với khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách du lịch theo đoàn, đẩy mạnh các các tour du lịch Caravan đi qua địa bàn các huyện, thành phố gắn với các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các điểm trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương.

- Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch ban đêm theo hướng xanh, sạch, bền vững.

1.3. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch

- Tổ chức rà soát lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch bị biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại lực lượng lao động, chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động đón khách du lịch.

- Xây dựng, tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao. Tích cực triển khai các lớp tập huấn du lịch cộng đồng nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ khách du lịch cho đối tượng là người địa phương làm dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch, tham quan.

1.4. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch

- Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch.

- Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến). Nâng cao hiệu quả các hoạt động marketing số; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

1.5. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch

Thực hiện giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hình ảnh “Kon Tum - An toàn, thân thiện, mến khách”

- Tổ chức phát động chương trình người Kon Tum đi du lịch trong tỉnh, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp… đi tham quan, du lịch tại các điểm đến trong tỉnh với các gói ưu đãi, hấp dẫn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

- Đổi mới phương thức xúc tiến, truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Kon Tum dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại 4.0 và bắt kịp xu hướng ứng dụng mạng xã hội của thế giới với nhiều tiện ích như: Facebook, youtube, zalo, website quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Kon Tum thông qua kênh báo, đài trong và ngoài tỉnh và trên trang website: dulichkontum.com.vn hoặc kontumtourism.com.vn.

- Đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến trong cả nước. Thúc đẩy tiến độ xây dựng, hoàn thành các dự án khách sạn, trung tâm hội nghị, triển lãm, các khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

- Vận động, khuyến khích doanh nghiệp du lịch chuyển đổi phương thức kinh doanh trên môi trường trực tuyến bằng việc chào bán các sản phẩm du lịch, các chính sách ưu đãi, giảm giá; liên tục cập nhật thông tin và hình ảnh điểm đến cùng các chiến dịch kích cầu du lịch nhằm đảm bảo sự liên kết thông tin liên tục, tạo động lực để du khách đưa Kon Tum vào danh sách ưu tiên của họ.

3. Tổ chức và tham gia các sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch, quảng bá sâu rộng hình ảnh du lịch Kon Tum

- Tham gia các hoạt động trong chương trình liên kết Liên minh kích cầu du lịch khu vực Tây Nguyên của 03 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk; Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ quốc tế - VITM Hà Nội và các sự kiện quảng bá du lịch lớn của các tỉnh, thành phố.

- Tổ chức các sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch: Hội nghị gặp mặt, đối thoại, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch; Diễn đàn Du lịch; Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum...

4. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạc đón khách du lịch quốc tế

- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện đảm bảo phục vụ an toàn; đổi mới và duy trì chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu lượng khách quốc tế chuẩn bị nhập cảnh thời gian tới.

- Phối hợp với các tỉnh, thành phố đang thí điểm đón khách du lịch quốc tế xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch kết nối các điểm đến an toàn của các địa phương theo nguyên tắc “Nhiều điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt” để cùng đón và phục vụ khách du lịch quốc tế.

Xem Kế hoạch tại đây!

QLĐT tổng hợp

Top page Desktop