Hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Chiều 17/4, Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Hoà – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ngành.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu, tỉnh đã chỉ đạo rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng các tiêu chí công nhận doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; khảo sát hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu và 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng bố trí nguồn ngân sách và lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất và chế biến 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh; xây dựng được dự thảo quy định đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh, rà soát diện tích rừng, đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và vùng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh để thu hút đầu tư phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung quy mô lớn, gắn quản lý bảo vệ rừng với phát triển dược liệu dưới tán rừng…
Bên cạnh đó, tỉnh đang trình xin ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi Ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với một số loài dược liệu địa phương làm cơ sở quản lý nhà nước về giống cây trồng và chất lượng các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đảng sâm theo quy định.
Các huyện uỷ, thành uỷ đã xác định nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tập trung triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ. Một số huyện đã tiến hành quy hoạch, khoanh vùng sản xuất rau an toàn; các huyện có lợi thế triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với sản xuất và chế biến cà phê, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, thuỷ sản…
Một số huyện đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp sơ chế, chế biến tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn. Các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Đăk Tô, Sa Thầy xây dựng được đề án, triển khai quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh, đảng sâm và các loại dược liệu khác...
Về lĩnh vực chỉnh trang, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; đối với cấp tỉnh đã tập trung giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm sớm triển khai các dự án được chấp thuận khảo sát đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tỉnh quan tâm chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực đầu tư gắn với bố trí quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh tiến hành triển khai các bước để thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Kon Tum tại khu vực Sao Mai theo hướng điều chỉnh ranh giới Khu công nghiệp Sao Mai 150ha và bổ sung Khu Đô thị - Dịch vụ Sao Mai 50ha liền kề; điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Hòa Bình giai đoạn II và lập dự án “Chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp”; đẩy nhanh việc lập quy hoạch chi tiết và cắm mốc giới quy hoạch tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y...
Các huyện, thành phố tập trung triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Các huyện, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.
Về lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp; đến nay, cơ bản các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai thử nghiệm kết nối Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT – iOffice với Trục liên thông quốc gia đảm bảo an toàn thông tin trong việc gửi, nhận văn bản điện tử; hoàn thành việc xác định mã định danh của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định. Rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; hoàn thành việc xây dựng kế hoạch thực hiện văn bản điện tử trong điều hành, xử lý công việc giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; khẩn trương hoàn thiện xây dựng Đề án thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công; tăng cường kết nối, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Đối với cấp huyện, đến nay, các xã, thị trấn và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng được bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa; triển khai thực hiện đồng bộ, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, áp dụng chữ ký số trong văn bản; tăng cường xúc tiến hỗ trợ đầu tư và khởi nghiệp...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các ngành, địa phương cần rà soát lại những việc làm được, chưa làm được để có giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra; coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có như vậy mới giải quyết được công việc đúng luật, vì dân; thu hút đầu tư được nhiều hơn.
“Chỉ khi có doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết thì mới đưa được hàng hoá ra thị trường và đưa công nghệ vào sản xuất” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng đề nghị các huyện, thành phố cập nhật, rà soát lại quy hoạch; xem xét, tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển đô thị để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm tiến hành quy hoạch phát triển đô thị một cách bài bản, khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; lập phương án cân đối thu chi để bổ sung nguồn đầu tư công cho xây dựng, phát triển đô thị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra, sự phát triển của đô thị là nhân tố để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chính sự phát triển của các lĩnh vực này sẽ tạo nguồn lực để thúc đẩy đô thị phát triển. UBND tỉnh thành lập tổ chỉ đạo phát triển đô thị trực tiếp xuống giúp các địa phương thực hiện lĩnh vực này, mục tiêu trong năm nay là mỗi huyện phải xây dựng được 1 khu đô thị mới. Các địa phương dựa trên thế mạnh tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, làm nông nghiệp bắt buộc theo hướng sản xuất hàng hoá; ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất; thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất phải gắn với chế biến. Tích cực tìm kiếm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đưa sản phẩm hàng hoá vào các hệ thống phân phối lớn nhằm xây dựng chuỗi tiêu thụ; thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới...
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng lưu ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với kỳ vọng kết quả thực hiện của 3 lĩnh vực này sẽ tác động đến các lĩnh vực khác để đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2019 đạt kết quả cao, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phát huy vai trò của người đứng đầu các ngành, địa phương; các cấp ủy đặt nặng trách nhiệm đôn đốc thực hiện để đạt được những kết quả, con số cụ thể; hàng tuần giao ban đều phải bàn bạc về việc thực hiện 3 lĩnh vực đột phá này...
Theo baokontum.com.vn