Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách đáp ứng dịch COVID-19
Ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 03/CĐ-CTUBND về triển khai các biện pháp cấp bách đáp ứng dịch COVID-19.
Công điện nêu: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngày 19/7/2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 02 trường hợp dương tính (+) với SARS-CoV-2 được phát hiện tại các Chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19 và thực hiện cách ly kịp thời theo quy định, chưa vào trong địa bàn tỉnh. UBND tỉnh biểu dương tinh thần trách nhiệm các ca trực của Chốt số 1 (Sao Mai - thành phố Kon Tum) và Chốt số 3 (Xã Hiếu - huyện Kon Plông) đã kịp thời phát hiện, xét nghiệm và tổ chức cách ly 02 trường hợp nói trên.
Tuy nhiên, hiện có những trường hợp tiếp xúc liên quan. Nhằm đáp ứng với diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả; quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chủ động tổ chức thực hiện và huy động cả hệ thống chính trị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 trên địa bàn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh để người dân không lo lắng, hoang mang, nâng cao cảnh giác và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
2. Tổ chức quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong địa bàn tỉnh, khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách đáp ứng dịch COVID-19 kể từ 00h00 ngày 21/7/2021 (đến khi có thông báo tiếp theo):
Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng; thực hiện nghiêm yêu cầu phòng chống dịch 5K + vắc xin của Bộ Y tế, không ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Không tập trung quá 10 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 02m khi tiếp xúc.
Tiếp tục tạm dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người (các lễ hội, chợ đêm, đám cưới, đám tiệc...), các hoạt động, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự (khuyến khích sinh hoạt, lễ nghi tôn giáo hình thức trực tuyến); tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Karaoke, vũ trường, bar, pub, massage, xông hơi, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu; các cơ sở, điểm tham quan, du lịch, di tích; sân vận động; các điểm truy cập internet và cung cấp trò chơi điện tử công cộng; rạp chiếu phim; khu vui chơi, giải trí, bida, điểm hát với nhau…; các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao theo hình thức tập trung đông người (gym, yoga, bóng đá, bóng chuyền, tennis, cầu lông, bể bơi, thể dục thẩm mỹ...); nhà hàng, nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng khách sạn, trạm dừng chân (các trạm dừng chân ăn, uống, nghỉ)… trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, không tập trung đông người, khuyến khích phương thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà hoặc mua đem về. Đối với các cơ sở, các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; kinh doanh thức ăn, thức uống đường phố, vỉa hè… phải đảm bảo khoảng cách giữa các bộ bàn ghế tối thiểu 02m, giãn cách khách tối thiểu 01m và giảm 50% số lượng phục vụ theo đăng ký; đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch khác. Thường xuyên siết chặt kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ (quán cơm, quán nước, cà phê; các cửa hàng, tạp hóa; đại lý xăng dầu...) dọc trên các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh để quản lý, kiểm soát dịch COVID-19 theo Văn bản số 2212/UBND-KGVX ngày 30/6/2021 của UBND tỉnh.
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, bến xe, cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại mà được tiếp tục hoạt động thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cho công nhân, người lao động, khách hàng (bắt buộc triển khai yêu cầu 5K, chú ý phải tổ chức đo thân nhiệt và khai báo y tế bắt buộc); phải có kế hoạch, phương án phòng chống dịch, thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cập nhật lên Bản đồ chống dịch; dừng ngay hoạt động nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác phòng chống dịch COVID-19; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; không tổ chức các sự kiện tập trung đông người khi không cần thiết.
2. UBND các huyện, thành phố:
Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), các chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19 của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thẩm quyền được giao tại Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 của UBND tỉnh.
Tiếp tục tăng cường siết chặt kiểm soát tại các Chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19 và các đường mòn, lối mở tiếp giáp với các tỉnh bạn vào địa bàn tỉnh, kiên quyết không để các trường hợp có yếu tố nguy cơ vào trong địa bàn tỉnh mà không được kiểm soát phòng chống dịch.
Huy động hệ thống chính trị, các Tổ công tác cộng đồng phòng chống dịch bệnh triển khai quyết liệt và thường xuyên hơn với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, quản lý chặt chẽ các hộ gia đình, nắm chắc thông tin của từng người dân, phát hiện ngay người về địa bàn từ các tỉnh, thành phố đang có ca COVID-19 cộng đồng hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh thông tin ngay cho chính quyền địa phương triển khai biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Chủ tịch Ủy UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát địa bàn, trực tiếp kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách đáp ứng dịch COVID-19; chỉ đạo phối hợp xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở vi phạm và áp dụng biện pháp rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch.
Bí thư Huyện ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm nếu phát hiện muộn các trường hợp nguy cơ, các ca bệnh, để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
3. Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương tổ chức truy vết các trường hợp tiếp xúc, khoanh vùng xử lý kịp thời, đánh giá tình hình lây nhiễm và có biện pháp đáp ứng phù hợp.
4. Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải tăng cường chỉ đạo các cá nhân trực Chốt thực hiện nghiêm nhiệm vụ được phân công theo Quy chế hoạt động các Chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19; phối hợp với UBND các huyện, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện khai báo y tế bắt buộc/khai báo y tế không trung thực.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo tổ chức, hoạt động của cơ sở cách ly tập trung theo thẩm quyền quản lý (kiểm tra, rà soát và vận hành, tổ chức hoạt động chặt chẽ, nghiêm ngặt tại các cơ sở cách ly; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường khu vực xung quanh và trong các cơ sở cách; tổ chức phun hóa chất khử khuẩn, xử lý môi trường phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cách ly theo đúng quy định; tổ chức khu vực nhà bếp, vấn đề an toàn thực phẩm...)
6. Các sở, ngành, đơn vị khác: Theo chức năng, nhiệm vụ tích cực phối hợp và tham gia với chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp và ngành Y tế thường xuyên rà soát các trường hợp có yếu tố nguy cơ trên địa bàn để triển khai kịp thời các biện pháp quản lý, theo dõi, áp dụng cách ly y tế phù hợp, đúng quy định, ngăn chặn dịch bệnh. Thường xuyên thông tin tuyên truyền liên tục về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, phòng tránh và ổn định tâm lý, tư tưởng, không hoang mang dao động làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội./.
BBT