cong-dien-cua-chu-tich-ubnd-tinh-ve-cong-tac-phong-tranh-ung-pho-mua-lu-lu-ong-lu-quet-sat-lo-dat

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Article

Sáng 23/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 08/CĐ-CTUBND về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Công điện nêu rõ:

Theo dự báo Đài khí tượng thủy văn Kon Tum (bản tin phát lúc 05h00’, ngày 23/9/2021), hồi 04 giờ ngày 23/9/2021, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km, cách bờ biển Bình Định khoảng 560km; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo, trong 24 giờ tới, tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng của rìa xa phía Tây hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, kết hợp với hoạt động gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh dần, nên thời tiết tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông lượng mưa có khả năng đạt 100-200mm; các huyện còn lại lượng mưa đạt 50-80mm. Từ tối nay (23/9/2021) khu vực các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông cần đề phòng có gió mạnh và mưa lớn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở những nơi đất dốc.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan phát huy kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai các năm trước và cơn bão số 5 (Conson) vừa qua để có phương án thực hiện tốt trong thời gian tới; khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 5 vừa qua gây ra; tổ chức thăm hỏi kịp thời đối với các gia đình bị thiệt hại và huy động lực lượng nguồn lực tập trung khắc phục kịp thời, sớm ổn định cuộc sống của người dân; theo dõi diễn biến chặt chẽ của bão, mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 07/CĐ-CTUBND tỉnh ngày 11/9/2021 về công tác phòng, chống, ứng phó bão số 5 và mưa lũ; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

Tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó thiên tai; đồng thời rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; đặc biệt là các trường hợp xảy ra lũ quét, sạt lở đất và mưa, bão lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng; chỉ đạo vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và hạ du cũng như khai thác hiệu quả tài nguyên nước.

Chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt, sạt lở đất… thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động ứng phó. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân với tinh thần “đi trước một bước”, không để khi xảy ra thiên tai mới di dời; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng xảy ra thiên tai.

Phối hợp với Sở GD&ĐT, chủ động rà soát lên phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn. Thực hiện vệ sinh trường lớp ngay sau khi hết mưa ngập; có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, sớm khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra, không để người và phương tiện di chuyển qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, các tuyến đường bộ dễ xảy ra sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết… khi có mưa lũ.

Khi có thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải thường xuyên ứng trực, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại địa bàn phụ trách; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai. Định kỳ vào lúc 15h00’ hằng ngày tổng hợp, báo cáo về Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

3. Sở GTVT theo dõi áp thấp nhiệt đới, diễn biến mưa lũ, kịp thời triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, khắc phục các sự cố trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ bị sạt lở, tắc đường… để đảm bảo giao thông.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ địa phương ứng pho với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

5. Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân khi cần; nhất là trong tình hình hiện nay, cần phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu cực ảnh hưởng thiên tai.

6. Sở Công thương (đối với các hồ chứa thủy điện), Sở NN&PTNT (đối với các hồ chứa thủy lợi) phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi triển khai thực hiện công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả; hướng dẫn các kỹ năng ứng phó thiên tai để nhân dân biết, chủ động ứng phó.

8. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cung cấp kịp thời các thông tin áp thấp nhiệt đới, diễn biến của cơn bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét để các đơn vị, địa phương liên quan và nhân nhân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.

9. Các chủ hồ chứa các công trình thủy điện, thủy lợi theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó, các nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai mà phải đảm bảo an toàn hồ đập thủy ddienj, thủy lợi; tổ chức vận hành hồ chứa an toàn tuyệt đối và hiệu quả các hồ thủy điện, thủy lợi.

10. Các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có bão, mưa lũ xảy ra; tổng hợp, báo cáo tình hình thiên tai về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

11. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình ở các địa phương, định kỳ vào lúc 16h00’ hàng ngày tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

BBT

Top page Desktop