Chinh phục ngã ba Đông Dương
“Ngã ba Đông Dương”, cái tên mới nghe đã thấy trong lòng nao nức, hứng khởi trước vùng đất huyền thoại mà bao người mong đến một lần trong đời. Nơi chiến trường chảo lửa, túi bom, trong ký ức một thời của bao thế hệ cựu chiến binh, nay là một điểm đến yên bình và hấp dẫn thuộc phía bắc Tây Nguyên hùng vĩ.
Chúng tôi chọn cung đường qua quốc lộ 14 từ TP Kon Tum (Kon Tum). Xe bon bon trên con đường trải nhựa phẳng lỳ hướng về phía huyện biên giới Ngọc Hồi, nơi có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm giữa ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Tây Nguyên vừa bước vào mùa khô, cái nắng ngoài trời trông vàng ươm lộng lẫy nhưng cũng thật khắc nghiệt. Qua Đắc Hà, tranh thủ dừng chân ghé quán nhỏ ven đường thưởng thức hương vị cà-phê thơm ngon nguyên chất và lắng nghe những câu chuyện kể của gia đình chủ quán vốn là dân miền bắc vào lập nghiệp, để biết được rằng vùng đất này đã thay đổi nhiều như thế nào trong quãng chục năm qua. Rồi lại lên đường, ngắm những rẫy cà-phê trải miên man theo các sườn đồi. Nắng chói chang làm mầu đất ba-zan như càng đỏ gắt, những cơn gió cũng chẳng thể làm dịu đi cái oi ả. Nhưng với tinh thần hăm hở không suy chuyển, chúng tôi tiếp tục dừng chân tại nhiều di tích lịch sử: Tượng đài chiến thắng Đắc Tô nơi còn dấu tích hai chiếc xe tăng năm nào, sân bay Phượng Hoàng với đường băng còn khá nguyên vẹn…
Cho đến khi pho cổng chào to đẹp khang trang “Cửa khẩu quốc tế Bờ Y” hiện ra. Tại đây, có một thủ tục nhất thiết phải làm là xin phép biên phòng để lên vị trí cột mốc. Anh bộ đội cười hiền, chỉ đường tận tình và không quên lời dặn “Đường ngoằn ngoèo, đi chậm thôi nhé”. Được biết, con đường tuần tra biên giới mới hoàn thành đã khiến việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Đường bê-tông uốn lượn cheo leo trên đồi núi trùng điệp, thay thế cho đường mòn đất đỏ bụi mù trời nắng, lầy lội trời mưa ngày trước. Sau khoảng 10 km là thấy tấm biển cột mốc tọa độ ngã ba biên giới đứng hiên ngang giữa trời, rồi những bậc thang đá trắng dẫn lên đỉnh đồi, nơi đặt cột mốc ba cạnh đánh dấu điểm tiếp giáp của ba quốc gia Việt - Lào - Cam-pu-chia.
Không thể tả hết nỗi xúc động, bồi hồi của cả đoàn trước một trong hai ngã ba biên giới - nơi “một con gà gáy, ba nước cùng nghe” của đất nước ta (cùng với ngã ba A Pa Chải). Cột mốc hình khối trụ tam giác, chất liệu đá hoa cương, đặt ở độ cao 1.086 m so với mực nước biển, quay về ba hướng với tên và quốc huy trang trọng gắn trên mỗi mặt. Giữa trưa tháng 3 xanh trong, phóng tầm mắt ra bốn bề biên cương bờ cõi, đứng trước dòng chữ “Việt Nam” mầu đỏ thiêng liêng, ai nấy đều nghe tim mình lắng lại… Tìm đến ngã ba Đông Dương đâu chỉ có thưởng thức cảnh quan đại ngàn, mà còn là thêm một lần thử thách bản thân mình để thêm hiểu và yêu từng tấc đất mỗi vùng miền Tổ quốc.
Rời cột mốc, chúng tôi ghé thôn Đắc Mế nơi sinh sống của người B’râu cách đó không xa, thăm một tộc người chỉ còn vài trăm nhân khẩu với bản sắc văn hóa hoang sơ quyến rũ lạ kỳ. Người B’râu bây giờ không còn đục lỗ tai đeo khuyên ngà voi to bằng cái miệng chén, hay lấy gai rừng chấm nhựa cây xăm chi chít lên thân thể nữa. Chỉ có tiếng chiêng tha quý giá là vẫn trầm bổng, da diết, ám ảnh như trong hình dung về những câu chuyện sử thi cổ xưa… Với chúng tôi, cột mốc chủ quyền thiêng liêng cùng văn hóa bản địa đặc sắc đã làm nên một chuyến đi vất vả nhưng tuyệt vời khó quên.
(theo nhandan.com.vn)