bi-thu-tinh-uy-kiem-tra-tinh-hinh-hoat-dong-cac-khu-cum-cong-nghiep-tai-thanh-pho-kon-tum

Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình hoạt động các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Kon Tum

Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình hoạt động các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Kon Tum

Article

Sáng 08/6, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tình hình thực tế của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Kon Tum; Nguyễn Ngọc Sâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum có đồng chí Phạm Thanh Hà - Trưởng ban Ban và  lãnh đạo các sở, ngành liên quan và thành phố Kon Tum.

Tại KCN Hòa Bình: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm và nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Công Danh; kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của các công ty, doanh nghiệp tại đây; nghe Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh báo cáo tình hình hoạt động tại KCN này.

Theo đó, KCN Hòa Bình có diện tích 60 ha, đến nay đã đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng cơ sở với tổng vốn đầu tư 61,289 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương 35,983 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 19,435 tỷ đồng và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế 5,871 tỷ đồng.

Có 38 dự án đăng ký đầu tư với vốn đăng ký 651,82 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại mới có 22 dự án được triển khai với vốn đăng ký 324,194 tỷ đồng, 08 dự án đã ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và 2 dự án đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động.

Tại KCN Sao Mai: Theo báo của của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, KCN này được Chính phủ quy hoạch với diện tích 150ha, trong đó, giai đoạn 1 là 79,4ha và giai đoạn 2 là 70,6 ha; 60ha quy hoạch khu đô thị. Từ năm 2018 đến nay, UBND  tỉnh đã phân bổ cho Ban Quản lý Khu kinh tế 55 tỷ đồng để triển khai đầu tư một số hạng mục hạ tầng cơ sở. Đến nay, KCN thu hút được 3 dự án đầu tư với vốn đăng ký khoảng 680 tỷ đồng.

Để đưa KCN vào khai thác và phát huy hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh, Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh, các đơn vị có liên quan tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo đến cuối năm cơ bản hoàn thiện nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đối với các dự án đã đăng ký và đang triển khai thực hiện yêu cầu các chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất, tránh tình trạng xí phần, giữ chỗ. Riêng vị trí quy hoạch khu đô thị, UBND tỉnh cùng các ngành có liên quan, địa phương  phải chú ý kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, tránh việc đấu giá xong để đó không xây dựng hoặc sang nhượng lại.

Kiểm tra địa điểm dự kiến quy hoạch khu sản xuất công nghiệp của tỉnh (tại thôn 5, xã Hòa Bình và thôn K'lâu Ngol, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) trên diện tích 560ha - quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư; xem xét đền bù luôn cây cao su cho người dân, doanh nghiệp, còn đất của nhà nước thì thu hồi để đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư. Trước mắt, thu hồi 100ha cao su già cỗi không tái canh để xây dựng 2 CCN, phấn đấu đến năm 2025 phát triển lên được 4 CCN và năm 2030 là 8 CCN phủ kín diện tích của cả khu. 

Tại CCN-TTCN Thanh Trung (thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây): Cụm có diện tích trên 70ha, Hiện mới chỉ đầu tư khoảng 1.000m đường, còn lại chưa được đầu tư. Hiện trạng đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng mà do các cơ sở tự nhận sang nhượng đất để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất.

CCN-TTCN Thanh Trung có 35 cơ sở/65 lò gạch thủ công bằng đất sét nung diện tích khoảng gần 160.300m2; 03 công ty sản xuất gạch tuynel gần 140.700m2 và 01 nhà máy gạch xây dựng trái phép 7.230m2. Mặc dù đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp đăng ký thực hiện.

Trước thực trạng trên, thành phố Kon Tum đã dự kiến quy hoạch Cụm Công nghiệp (CCN) của thành phố trên tổng diện tích 62 ha tại xã Đăk Cấm – khu vực gần đường tránh thành phố giáp với phường Ngô Mây.

Thăm thực tế địa điểm dự kiến quy hoạch CCN của thành phố Kon Tum, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, đối với những doanh nghiệp đang hoạt động tại CCN-TTCN Thanh Trung vẫn để tiếp tục hoạt động và không thu hút đầu tư vào đây nữa; thành phố Kon Tum xem xét đẩy nhanh tiến độ quy hoạch CCN của thành phố tại xã Đăk Cấm; xúc tiến công tác đền bù đất đai, hoa màu cho Tập đoàn Cao su và người dân; đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.

Đồng chí nhấn mạnh, địa điểm quy hoạch Cụm công nghiệp của thành phố rất hợp lý bởi đất đai rộng lớn, bằng phẳng, gần trung tâm thành phố, gần đường tránh thành phố nên thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm./.

BBT trang thông tin điện tử 

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop