Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam!

Article

Đối với người Việt Nam ta và bầu bạn thân thiết trên thế giới, ngày 19/5 hằng năm - ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng, trọng đại, có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bà con ta ở nước ngoài luôn hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác.

Ngày 19 tháng 5 năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời, đất nước hình chữ S được đón chào một nhân tài từ mảnh đất xứ Nghệ. Quả thực, về sau Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã trở thành một lãnh tụ thực thụ của cách mạng Việt Nam, Người đã có những đóng góp to lớn về nhiều mặt đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nghị quyết số 24C/18.65 do Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24 (11/1987) đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam". Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khắc sâu trong tâm trí của mọi thế hệ người Việt Nam với tài trí, đạo đức, nhân cách và những công lao trong cả tiến trình cách mạng của dân tộc.
Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Tháng 7 nǎm 1920, Người được tiếp cận với bản thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I Lê nin và khẳng định con đường để giải phóng dân tộc Việt Nam. Nǎm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) do người làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút, thư ký để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động cách mạng ở các thuộc địa. Từ đây, Người luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự chú ý của Quốc tế Cộng sản tới phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa; tham gia nhiều hoạt động, tổ chức nhằm kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới với cách mạng thuộc địa. Cuối nǎm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về châu Á để thực hiện hoài bão giải phóng nhân dân các dân tộc thuộc địa, trong đó có nhân dân Việt Nam.
Ngày 11 tháng 11 nǎm 1924 Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã tổ chức và trực tiếp giảng bài cho các lớp huấn luyện đào tạo những thanh niên Việt Nam để trở về quê hương phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những bài giảng của Người được tập hợp in thành sách “Đường Cách mệnh” xuất bản nǎm 1927. Đây chính là “cẩm nang” về những vấn đề lý luận căn bản để thành lập một tổ chức đảng cộng sản ở trong nước. Tháng 6 nǎm 1925, trên cơ sở số cán bộ được huấn luyện, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội cho ra tờ báo Thanh Niên làm nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu về chủ nghĩa Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga, góp phần quan trọng vào việc xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 03-02-1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), Người triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau cao trào 1930-1931, với sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, phong trào cách mạng trong nước bị lắng xuống.  Nguyễn Ái Quốc vừa học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào cách mạng trong nước. Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngày 12 tháng 8 nǎm 1945, Hồ Chí Minh (tên được đổi từ đầu năm 1942) cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 19 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, ngày 23 tháng 8 thắng lợi ở Huế, ngày 25 tháng 8 thắng lợi ở Sài Gòn. Sáng ngày 02 tháng 9 nǎm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân đấu tranh xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền non trẻ. Để giữ vững thành quả cách mạng, Người đã đề ra những biện pháp cấp thiết để xây dựng hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương tới địa phương, một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Trước dã tâm của thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Ngày 19 tháng 12 nǎm 1946, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được truyền đi trên khắp cả nước trên làn sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Trong những năm tháng này, Người viết tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc” (1947), khởi xướng phong trào Thi đua yêu nước (1948)…nhằm rèn luyện và động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đứng lên thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Ngày 06 tháng 12 nǎm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân toàn dân, toàn Đảng, phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Với sự nỗ lực của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra và hoàn toàn thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ nǎm 1954, chấp thuận những điều khoản có lợi cho 3 nước Đông Dương.
Bước sang giai đoạn mới của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam là thi hành đúng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ; củng cố hoà bình, đấu tranh để thực hiện thống nhất đất nước bằng Tổng tuyển cử tự do. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và tay sai cố tình phá vỡ những điều khoản của Hiệp định, leo thang chiến tranh hòng chiếm trọn luôn cả miền Bắc. Đến tháng 02 nǎm 1965, Mỹ đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc và ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Tháng 7 nǎm 1966, chúng dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên nhân dân Việt Nam vượt qua hy sinh gian khổ và kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong những thời điểm cách mạng khó khăn nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ về trí tuệ, là điểm tựa tinh thần động viên toàn Đảng, toàn dân  thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng, phát triển kinh tế, vừa chiến đấu anh dũng để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vào  9 giờ 47 phút, ngày 02 tháng 9 nǎm 1969 (ngày 21 tháng 7 Âm lịch), trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Người ra đi khi sự nghiệp cách mạng nước nhà còn dang dở, đất nước hai miền vẫn còn chia cắt. Song Người vẫn tuyệt đối tin Đảng, tin vào sự nghiệp cách mạng của Nhân dân. Vì thế, từ những năm trước đó, chuẩn bị cho cuộc “ra đi” của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc ghi chép lại những tâm nguyện cho Đảng, cho toàn thể nhân dân ta tiếp nghiệp thực hiện.
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hi sinh cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, cho nền hòa bình của nhân loại. Công lao của Người đối với nhân dân Việt Nam và nhân loại là vô bờ bến, giấy mực khó có thể ghi chép hết, chỉ có thể lấy nền độc lập, thống nhất của đất nước Việt Nam làm minh chứng. Đúng như tâm nguyện cả đời của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đã hơn 50 mùa Xuân chúng ta không còn Bác. Tuy nhiên, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để lại là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chúng ta tiếp tục học tập, vận dụng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để tiến tới con đường phát triển bền vững.

Theo tuyengiaokontum.org.vn

BBT trang thông tin điện tử

Top page Desktop