Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong quản lý khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16 tháng 02 năm 2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Văn bản số 564/UBND-KTTH về triển khai Thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quy hoạch, đầu tư và hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (tại Báo cáo số 30/BC-ĐGS ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh), theo đó yêu cầu Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, có giải pháp và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập đã được Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá; đồng thời triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án và Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030 (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2021 và điều chỉnh tại Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2022).
Tổ chức triển khai các nhiệm vụ lập, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch, kế hoạch có liên quan (đặc biệt tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung tại huyện Đăk Tô...) đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong quản lý khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp. Xác định giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nghiên cứu rà soát quỹ đất đổi cho các hộ dân bị ảnh hưởng để giảm chi phí bồi thường, thu hút, vận động sự tham gia của doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tập trung tối đa công tác thu hút đầu tư, hướng đến từng bước lấp đầy diện tích cho thuê tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cụm công nghiệp; tăng cường các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn (nếu có) và đồng hành, hỗ trợ tối đa để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Đối với các cụm công nghiệp đang hoạt động, yêu cầu UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, xác định lộ trình, giải pháp cụ thể, căn cơ để thu hồi đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thuê, giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu; từng bước xử lý tình trạng người dân sinh sống trong các cụm công nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo không làm xáo trộn tình hình xã hội; thực hiện nghiêm việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, tiền thuê đất, xử lý triệt để đối với các trường hợp nợ đọng kéo dài.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện báo cáo theo yêu cầu tại Công văn này; trên cơ sở đó tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Nguyễn Thanh Dao (Văn phòng)