Quy định mới về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ
Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong công tác và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Ðịnh kỳ hằng năm, cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình ở chi bộ và cấp ủy, tổ chức chính quyền, đoàn thể mà mình là thành viên.
Đây là một trong những nội dung mới trong Quy định số 179-QÐi/TƯ về “Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ” vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Quy định gồm 4 chương, 17 điều này nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, sự đoàn kết thống nhất, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Ðảng trong công tác cán bộ; đánh giá đúng công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định; góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Quy định này thay thế Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 58-QÐ/TƯ ngày 7-5-2007 của Bộ Chính trị.
So với quy chế cũ, Quy định số 179-QĐi/TƯ làm rõ hơn nội dung kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, đề cao việc tự kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng; xác định cụ thể thẩm quyền của chủ thể kiểm tra.
Theo quy định, về chế độ kiểm tra công tác cán bộ, các cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong công tác và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Ðịnh kỳ hằng năm, cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình ở chi bộ và cấp ủy, tổ chức chính quyền, đoàn thể mà mình là thành viên.
Ðồng thời, chi bộ nơi cư trú có ý kiến nhận xét về bản thân cán bộ, đảng viên và gia đình trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
Cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra về công tác cán bộ thuộc cấp mình quản lý và chỉ đạo, thực hiện; tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ; thực hiện chế độ kiểm tra công tác cán bộ theo định kỳ hoặc đột xuất.
Ngoài các nội dung kiểm tra như quy chế cũ, quy định mới có thêm nội dung kiểm tra đảng viên giữ mối liên hệ với quần chúng nơi cư trú và cơ quan.
Về chế độ giám sát công tác cán bộ, quy định nêu rõ, tổ chức Đảng cấp trên có chương trình, kế hoạch giám sát công tác cán bộ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc quyền quản lý, cấp ủy cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ các đơn vị làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.
Ban tổ chức và ủy ban kiểm tra giám sát tổ chức Đảng thuộc cấp ủy quản lý, cấp ủy cấp dưới và các ban của cấp ủy cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, người đứng đầu các ban của cấp ủy cùng cấp và cán bộ các đơn vị làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ…
Đặc biệt, theo Quy định số 179-QĐi/TƯ, chủ thể kiểm tra có 4 thẩm quyền, trong đó được quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; được đề nghị cấp ủy quản lý cán bộ xem xét, cân nhắc, bố trí công việc khác cho phù hợp với cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút dù cơ quan chức năng chưa kết luận được; được yêu cầu tạm dừng việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm...
Quy định có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ.
BBT tổng hợp