phuong-an-keu-goi-dau-tu-kinh-doanh-khai-thac-va-quan-ly-cho-cua-khau-quoc-te-bo-y-xa-bo-y-huyen-ngoc-hoi-tinh-kon-tum

Phương án kêu gọi đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Phương án kêu gọi đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Article

I. Thông tin chung khu vực dự án.

1. Vị trí địa lý:

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có diện tích tự nhiên 70.438 ha, bao gồm các xã: Bờ Y, Đăk Xú, thị trấn Plei Kần, xã Sa Loong, Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Kan thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Có vị trí địa lý như sau:

+ Phía Tây giáp với Lào và Cam Pu Chia;

+ Phía Bắc giáp huyện Đăk Glei;

+ Phía Đông giáp huyện Đăk Tô và xã Đăk Ang của huyện Ngọc Hồi;

+ Phía Nam giáp huyện Sa Thầy.

2. Điều kiện tự nhiên:

- Địa hình khu vực:

Khu đất xây dựng Chợ có địa hình dốc theo hướng Bắc – Nam, hai bên có khe suối, độ dốc bình quân 5%.

- Điều kiện địa chất thuỷ văn:

Nền đất khu vực dự kiến xây dựng chủ yếu là đất á sét, cường độ chịu tải của nền đất khoảng từ 1,5-2 kg/cm2, thuận lợi cho việc thiết kế móng các công trình mà không cần phải gia cố hoặc xử lý đất nền.

Khu vực xây dựng nằm trên triền đồi có mực nước ngầm thấp, không ảnh hưởng để việc đặt nền móng công trình trên lớp đất ở độ sâu 1-2m.

- Điều kiện khí hậu:

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có đặc điểm khí hậu vùng núi Tây Nguyên, sau đây là một số đặc trưng của khí hậu:

Nhiệt độ:

+ Nhiệt độ trung bình hàng năm: 23,80C.

+ Nhiệt độ trung bình thấp nhất: 18,00C.

Mưa:

Chia làm 2 mùa rõ rệt.

+ Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 80% lượng mưa của cả năm.

+ Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 20% lượng mưa của cả năm.

+ Lượng mưa trung bình năm: 1.805mm.

+ Số ngày mưa trung bình năm: 131 ngày.

Độ ẩm:

+ Độ ẩm trung bình năm: 79,5%.

+ Độ ẩm trung bình tháng cao nhất: 86,7%.

Gió:

+ Tốc độ gió trung bình 1,3m/s, cao nhất 27m/s.

+ Mùa khô: Hướng Đông Bắc.

+ Mùa mưa: Hướng Tây Nam.

Bão:

+ Khu vực dự án từ trước tới nay không có bão lớn, thỉnh thoảng chỉ có lốc xảy ra một vài nơi.

+ Khu vực xây dựng chịu ảnh hưởng khí hậu chung của khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là về mùa mưa, hướng gió chính là Đông Bắc – Tây Nam.

3. Tình hình kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng:

3.1. Kinh tế- xã hội:

- Tăng trưởng kinh tế trong khu vực:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2011-2015 đạt 13,94%/năm, trong đó: Nông lâm thủy sản tăng 7,0%, công nghiệp - xây dựng tăng 16,7%, dịch vụ tăng 17,32%.

Năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 2.050 tỷ đồng, bằng 12,25% GDP; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,7 triệu đồng (1.555 USD); tỷ lệ hộ nghèo giàm còn 10,26%.

- Cơ cấu lao động: Lao động nông lâm nghiệp chiếm khoảng 59,5%; Lao động công nghiệp - xây dựng  chiếm 11,75%; Lao động các lĩnh vực khác chiếm khoảng 28,75% tổng số lao động đang làm việc.

- Tình hình xuất -  nhập qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y:

Tình hình xuất nhập cảnh và kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y tăng lên đáng kể. Lượng người xuất nhập cảnh năm 2015 là 434.985 lượt, tăng 108% so với năm 2011. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 khoảng 256 triệu USD, tăng 160% so với năm 2011.

- Trong những năm gần đây, huyện Ngọc Hồi có tốc độ phát triển khá mạnh, nhờ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tương đối cao so với các huyện trong tỉnh; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản.

+ Tình hình sản xuất Nông - Lâm nghiệp:

Đây là 2 lĩnh vực sản xuất chính của khu vực. Trong những năm qua diện tích và giá trị sản lượng liên tục tăng. Cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê.

Sản xuất cây lúa tăng và ổn định cả về diện tích và sản lượng, cây sắn phát triển nhanh và là nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Cây công nghiệp như cao su, cà phê ngày càng chiếm ưu thế.

Cây ăn quả: Cây nhãn, vải, cam, quýt ghép  đã được trồng tại một số vườn và bước đầu có một số loại cây trồng cho kết quả tương đối cao.

 Về Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp luôn tăng trưởng, trong đó trồng rừng chiếm 38,7% cơ cấu của nhóm ngành, khai thác gỗ chiếm 61,3% cơ cấu ngành.

+ Thương mại, dịch vụ:

Cơ sở vật chất hiện có trong Khu kinh tế: Gồm cửa hàng Siêu thị miễn thuế đang kinh doanh các mặt hàng áo quần, giày dép, đồ tiêu dùng và đồ lưu niệm cùng với 01 chợ tại trung tâm xã Bờ Y, còn lại đa số là hệ thống quầy hàng mua bán nhỏ của các hộ kinh doanh cá thể.

Các loại hình dịch vụ ăn uống, giải khát còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa được đầu tư đúng mức để phục vụ cho khách tham quan, du lịch qua lại cửa khẩu.

Dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ: Có một số nhà nghỉ của tư nhân cho khách lưu trú, nhưng chưa phát triển mạnh do các dịch vụ khác chưa đồng bộ, phần nào hạn chế đến việc thu hút khách lên tham quan Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Trong Khu trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu chưa có chợ để giải quyết nhu cầu về trao đổi hàng hóa qua lại cửa khẩu hai nước và nhân dân trong khu vực và khách thập phương tham quan du lịch qua lại cửa khẩu.

3.2. Cơ sở hạ tầng:

Cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu thông qua lại cửa khẩu, gồm tuyến đường trục chính Khu I, II, III, đường Ngọc Hồi – Dốc Muối, đường NT18, N5... đã được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp II đô thị.

Mạng lưới giao thông nối Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với các vùng lân cận như đường Hồ Chí Minh nối liền Kon Tum với Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh... là những vùng kinh tế động lực của đất nước, Quốc lộ 18B tuyến đường nối từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi sang Lào đã được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đầu tư xây dựng, đây là trục đường rất quan trọng trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hoá của đa số các tỉnh Nam Lào quá cảnh thông qua các tuyến đường và các cảng biển của Việt Nam xuất khẩu ra các nước khác và ngược lại.

3.3. Định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực:

Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhằm tạo sự tác động lan tỏa, phát triển của khu vực.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước sinh hoạt, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Phát triển thương mại, du lịch tại cột mốc 3 biên.

Định hướng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ.

4. Những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển kinh tế:

- Thuận lợi:

Diện tích đất tự nhiên lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào thuận lợi phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Hệ thống giao thông trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được đầu tư đồng bộ việc giao thương hàng hóa qua lại cửa khẩu được thuận lợi.

Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế.

- Khó khăn:

Địa hình có độ dốc và chia cắt, khó khăn trong công tác bố trí sản xuất, và đầu tư xây dựng; dân số ít, dân cư phân bố rải rác, nguồn nhân lực thiếu, hàng hóa còn mang tính tự cung, tự cấp.

Tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, trình độ học vấn còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chủ yếu lao động bằng nghề nông.

Mức sống của người dân tại khu vực biên giới còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

II. Thông tin về dự án.

1. Tên dự án: Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

2. Địa điểm xây dựng: Lô TM12, Khu I, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Đường 790 nối từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi cửa khẩu quốc tế Phu cưa (Lào)

3. Sự cần thiết đầu tư:

Tỉnh Kon Tum có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Kon Tum là cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương huyền thoại, với hệ thống đường bộ kết nối đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và thông thương với cả hai miền Nam - Bắc qua đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nằm ở trung tâm của Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi các tỉnh Nam Lào; có cửa khẩu quốc gia đi tỉnh Rattanakiri - Vương quốc Campuchia; là cung đường ngắn nhất nối Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, đồng bằng Nam Bộ với Nam Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Tương lai, có thể liên kết với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối dài để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Hiện tại, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y chưa có chợ, các dịch vụ mua bán hàng hoá, ăn uống giải khát còn nhỏ lẻ, trong khi phía Lào đã xây dựng siêu thị miễn thuế, tương lai hàng hoá tập trung về cửa khẩu này với số lượng và giá trị giao dịch rất lớn.

Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống chợ toàn quốc tại Quyết định số 6076/QĐ-BCT ngày 15/10/2012 và Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26/6/2015; đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư tại Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT ngày 26/12/2007.

Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum được quy hoạch từ năm 2001, được xác định là nơi mua bán trao đổi hàng hoá chính của cư dân biên giới và khu vực lân cận. Mặt khác, Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y là đầu mối buôn bán xuất nhập khẩu hàng hóa của thương nhân qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và các văn bản quy định của pháp luật, Ban quản lý Khu kinh tế xác định cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Ban quản lý Khu kinh tế xây dựng phương án kêu gọi đầu tư xây dựng Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế có năng lực về tài chính và có kinh nghiệm, đầu tư, xây dựng chợ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua bán của người dân, đảm bảo quản lý, điều hành hoạt động chợ gọn nhẹ, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, văn minh thương mại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương phát triển theo hướng thương mại dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.

Việc đầu tư xây dựng một khu chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là nhu cầu cần thiết và cấp bách, đáp ứng với nhu cầu giao thương hàng hoá giữa 2 nước Việt Nam – Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Phu Cưa.

4. Mục tiêu kêu gọi đầu tư:

Đầu tư xây dựng Chợ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đảm bảo các tiêu chuẩn chợ hạng 2, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu và mua bán của người dân khu vực hai bên biên giới góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ tiểu thương, thương nhân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội kết hợp bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

5. Quy mô, hình thức đầu tư:

- Loại công trình: Chợ hạng 2 trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, phục vụ cho khoảng 320 điểm kinh doanh.

Mặt bằng xây dựng Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y

- Quy mô dự kiến:

+ Diện tích khu đất xây dựng: Khoảng 21.100 m2.

+ Khối nhà lồng: Diện tích 712,9 m2, bố trí 14 quầy và 84 sạp.

+ Sân đường nội bộ, bãi đậu xe: Khoảng 3.115m2

+ Nhà vệ sinh, tường rào, thảm cỏ, cây xanh...    

- Tổng mặt bằng dự kiến: Download tại đây

- Vốn đầu tư dự kiến: 16 tỷ đồng.

- Hình thức đầu tư: Đầu tư trực tiếp, 100% vốn nhà đầu tư.

6. Thông tin về khu đất xây dựng:

Đất trống do nhà nước quản lý, đã được dọn dẹp vệ sinh, san ủi mặt bằng.

Nằm liền kề đường Ngọc Hồi - Dốc Muối, cách cột mốc 790 khoảng 150m.

Đối diện khu đất xây dựng Chợ là Bãi đỗ xe đã được đầu tư xây dựng với công suất 500 xe ra vào/ngày đêm.

7. Hiệu quả đầu tư dự kiến:

7.1. Phân tích tài chính dự án đầu tư:

a). Tổng vốn đầu tư của dự án: Khoảng 16 tỷ đồng.

b). Vốn đầu tư: Vốn tự có của Nhà đầu tư 100%.

c). Tính toán doanh thu của dự án:

- Dự kiến giá cho thuê bán hàng tại chợ 01tháng: 150.000 đồng/m2.

- Doanh thu 01 tháng: 150.000 đồng x 712,9m2 = 106.935.000 đồng.

- Tổng doanh thu 01 năm: 106.935.000 đồng  x 12 = 1.283.220.000 đồng.

Dự kiến năm sau doanh thu tăng 10% so với năm trước.

d). Tính toán chi phí:

- Chi phí quản lý: 120 triệu/năm.

- Tính khấu hao tài sản cố định: Tài sản tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng trong 35 năm.

- Chi phí tiền điện, nước: 48 triệu/năm.

- Tiền thuê đất: Dự án thuộc đối tượng miễn tiền thuê đất trong cả thời gian thuê.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: 10% trong thời gian 15 năm, 22% các năm còn lại.

Dự kiến các chi phí quản lý, tiền điện, nước, tiền thuê đất tăng 10% so với năm trước.

e). Tính toán các chỉ tiêu kinh tế:

Tỷ lệ chiết khấu xã hội (SDR), i = 10%.

- Giá trị hiện tại ròng kinh tế (NPV) = 9.646 > 0.

- Tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR) = 13% > i = 10%.

- Thời gian hoàn vốn 12 năm.

(Có Bảng tính toán kèm theo – Download tại đây)

f. Kết luận:

Qua kết quả tính các chỉ số NPV, IRR, thời gian hoàn vốn ta thấy dự án có tính khả thi và hấp dẫn các nhà đầu tư.

7.2. Hiệu quả về kinh tế - xã hội:

- Dự án mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, tạo cơ sở vật chất cho việc giao thương hàng hóa qua lại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

- Dự án đưa vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương và các tiểu thương trong khu vực.

- Đóng góp vào Ngân sách Nhà nước qua các loại thuế và các khoản thu khác khi dự án đưa vào hoạt động.

- Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng biên giới hoà bình hữu nghị, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

8. Các chính sách ưu đãi đầu tư:

Dự án đầu tư Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục I, II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hường dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và thuộc đối tượng đặc biệt ưu đãi đầu tư.

- Về đất đai:

Miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

- Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:

Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân:

Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu.

9. Quy hoạch xây dựng:

+ Về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật: Đảm bảo thực hiện theo Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012 của Bộ Khoa học công nghệ công bố tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 9211:2012 “Chợ - tiêu chuẩn thiết kế”; Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết (TL 1/500) Khu I – Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

+ Nhà lồng chợ: Chiều cao xây dựng từ 3 đến 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%

+ Về hạ tầng kỹ thuật của công trình: Phải đảm bảo đấu nối với hệ thống 
hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chung được duyệt.

+ Đảm bảo các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật, vệ sinh, môi trường, PCCC: Theo quy định của pháp luật.

10. Phương thức kêu gọi đầu tư:

Nhà nước kêu gọi nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng công trình chợ theo quy hoạch, dự án được phê duyệt. Cụ thể: Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật công trình chợ theo dự án và quy hoạch được duyệt bao gồm san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình dịch vụ kinh doanh của chợ, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, sân nền bê tông…

Sau khi công trình chợ xây dựng hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhà đầu tư tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ theo quy định của pháp luật.

11. Thời gian cho thuê đất: 

Thời gian cho nhà đầu tư thuê đất để xây dựng và sử dụng kinh doanh, khai thác, quản lý chợ được xem xét, quyết định theo thời gian của dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất hoặc theo giấy chứng nhận đầu tư nhưng không quá 50 năm. Sau khi kết thúc thời gian hợp đồng cho thuê đất mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, khai thác, quản lý chợ thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trường hợp nếu không có nhu cầu tiếp tục thuê đất thì tài sản trên đất sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

12. Hình thức lựa chọn Nhà đầu tư: 

Phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng tổ chức công bố phương án kêu gọi đầu tư Chợ cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo quy định của pháp luật để tìm kiếm nhà đầu tư. Trường hợp không có nhà đầu tư, báo cáo, đề xuất tham mưu Lãnh đạo BQL báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giao đơn vị có thẩm quyền thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng công trình Chợ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).

13. Đối tượng đăng ký đầu tư: 

Doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

14. Điều kiện để đăng ký đầu tư: 

Nhà đầu tư dự án phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Có vốn thuộc sở hữu của mình dự kiến dành để đầu tư thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án và đảm bảo khả năng huy động vốn, các nguồn lực tài chính khác để thực hiện dự án thông qua cam kết cho vay vốn của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, tài chính.

Không bị cơ quan thẩm quyền kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh, đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ đọng không có khả năng chi trả; đang trong quá trình giải thể.

Hoàn thành nghĩa vụ thuế đến thời điểm tham gia đăng ký đầu tư và được cơ quan quản lý thuế xác nhận.

Không có ghi nhận xấu nào về kết quả hoạt động trong quá khứ như: Bỏ dở công việc, đã gây ra hư hỏng hoặc làm chậm trễ công trình theo tiến độ đã thỏa thuận, hoặc có những sai sót nghiêm trọng khác mà bên mời thầu phát hiện được. Không có hành vi trách nhiệm hình sự hoặc dân sự mà chưa giải quyết.

Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

15. Hồ sơ đăng ký đầu tư dự án: 

Bản Đăng ký đầu tư xây dựng chợ; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Báo cáo năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư (do nhà đầu tư tự lập và chịu trách nhiệm); Nhà đầu tư tham gia dự thầu tư phải có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014, năm 2015 và được xác nhận của cơ quan thuế; Dự án đầu tư xây dựng chợ (do nhà đầu tư tự lập).

16. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin đăng ký đầu tư dự án: Phòng Quản lý đầu tư – BQL Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, địa chỉ: số 145, đường U Re, TP. Kon Tum; Điện thoại: 0603.910.606 hoặc tại khu I- Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Điện thoại: 0603.885049.

III. CÁC CHÍNH SÁCH VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VÀ ĐẦU TƯ, KINH DOANH TẠI CHỢ BIÊN GIỚI, CHỢ CỬA KHẨU, CHỢ TRONG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU.

Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư như các dự án đầu tư khác đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu và như mục 8.II nêu trên, chính sách về đầu tư chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu có các quy định khác như sau:

1. Dự án đầu tư chợ

Dự án đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ của các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với các ngành nghề sản xuất, dịch vụ thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ; được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.[1]

2. Chủ thể hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu và chủ thể mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới [2]

2.1. Thương nhân là cá nhân kinh doanh mang quốc tịch Việt Nam và có hộ khẩu thường trú tại khu vực biên giới.

2.2. Thương nhân là doanh nghiệp Việt Nam và hộ kinh doanh được thành lập, đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

2.3. Thương nhân là cá nhân kinh doanh mang quốc tịch của nước có chung biên giới, có một trong các giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Giấy Chứng minh thư biên giới, Giấy Thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới, Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới.

2.4. Thương nhân là doanh nghiệp, hộ kinh doanh của nước có chung biên giới đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới.

2.5. Chủ thể mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới

a) Cư dân biên giới là công dân Việt Nam và công dân nước có chung biên giới có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới.

b) Người có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới.

3. Điều kiện kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu [3]

3.1. Trước khi kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, thương nhân phải được Cơ quan quản lý chợ chấp thuận ký hợp đồng thuê quầy hàng hoặc sạp hàng, ki-ốt hay cửa hàng tại chợ.

3.2. Ngoài điều kiện quy định như trên, thương nhân nước có chung biên giới phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được sự xác nhận cho phép kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu của cơ quan có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới.

b) Được cấp Giấy phép kinh doanh tại chợ đối với thương nhân nước có chung biên giới  theo quy định.

4. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh tại chợ đối với thương nhân nước có chung biên giới [4]

4.1. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu đối với thương nhân nước có chung biên giới là Sở Công Thương nơi có chợ hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền cấp Giấy phép bằng văn bản.

4.2. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh tại chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu.

5. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và lưu thông trong chợ [5]

5.1. Hàng hóa trao đổi, mua bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu phải là hàng được phép lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5.2. Hàng hóa xuất nhập khẩu tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu phải tuân thủ các quy định hiện hành về xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật. (chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu).

5.3. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu Theo phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

5.4. Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu là hàng hóa được sản xuất ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước láng giềng do cư dân biên giới mua, bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai bên để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cư dân biên giới.

6. Chính sách thuế, phí và lệ phí [6]

6.1. Thương nhân kinh doanh trong chợ phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về chính sách thuế hiện hành của Việt Nam: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và thuế thiêu thụ đặc biệt.

6.2. Thương nhân mua bán hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hàng hóa mua bán qua biên giới, được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

6.3. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật hiện hành.

6.4. Phí và lệ phí trong hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

6.5. Thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới: Chủ thể mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2.000.000 (hai triệu) đồng/1 người/1 ngày/1 lượt và không quá 4 lượt/1 tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

6.6. Hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào khi trao đổi qua biên giới sẽ có thuế suất nhập khẩu 0%. Bên cạnh đó, nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư vào các khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, sẽ dành ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, cũng như miễn các hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam[7].

7. Đồng tiền thanh toán[8]

7.1. Hoạt động thương mại biên giới nói chung và hoạt động thương mại tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu nói riêng được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới.

7.2. Phương thức thanh toán:

a) Thanh toán qua ngân hàng.

b) Thanh toán không dùng tiền mặt: bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu; thông qua tài khoản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam; thanh toán trực tiếp vào tài khoản của thương nhân tại ngân hàng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của Việt Nam.

c) Thanh toán bằng tiền mặt./.

 

 


[1] Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ được bổ sung, sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Mục A.III.5 Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước

[2] Điều 11, Điều 18 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

[3] Điều 17 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới; Điều 6 Quy chế chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương

[4] Điều 7 Quy chế chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

[5] Điều 6; Điều 18 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

[6]  Điều 10, 14, 21 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

[7]  Điều 6, Điều 7 Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 27/6/2015.

[8]  Điều 4 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới; Điều 12 Quy chế chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

 

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop