phien-hop-thu-3-cua-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số

Article

Sáng 08/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2022, chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả nổi bật như: 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021; 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 01 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 8/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện; hơn 97% xã trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như: Dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.

Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Hệ thống có tổng số hơn 12,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%...

Đối với tỉnh Kon Tum, triển khai nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Kon Tum đã triển khai công tác lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Ia H’Drai và xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, triển khai cập nhật, chỉnh lý trên 37.845 hồ sơ vào cơ sở dữ liệu đất đai hiện có trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tỉnh Kon Tum đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/022, Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Tại Phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021). Theo kết quả đánh giá DTI năm 2021 cấp tỉnh, tỉnh Kon Tum xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố tăng 12 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 58/63). Trong đó, Chính quyền số cấp tỉnh, Kon Tum xếp hạng 42/63, Kinh tế số cấp tỉnh xếp hạng 33/63, Xã hội số cấp tỉnh xếp hạng 32/63.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, nhưng đây mới là kết quả bước đầu, nhiệm vụ chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước, phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh, không chậm trễ; đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết/chỉ thị/văn bản về chuyển đổi số theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp…

Theo https://www.kontum.gov.vn/pages/detail/41982/Phien-hop-thu-ba-cua-Uy-ban-Quoc-gia-ve-chuyen-doi-so.html

Ban biên tập trang thông tin điện tử 

Top page Desktop