nhung-bo-luat-luat-co-hieu-luc-tu-ngay-01-thang-01-nam-2018

Những Bộ luật, Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018

Những Bộ luật, Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018

Article

Từ ngày 01/01/2018, 02 Bộ luật và 09 Luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự 2015; Bộ Luật hình sự 2015; Bộ Luật tố tụng hình sự 2015; Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017; Luật quản lý ngoại thương 2017; Luật du lịch 2017; Luật trợ giúp pháp lý 2017; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 10/2015/QH13; Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017.

1. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (Luật số 94/2015/QH13): Luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015; hiệu lực thi hành được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 41/2017/QH14, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người vị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam. Bố cục của Luật gồm có 11 chương với 73 điều, cụ thể: Chương I. Quy định chung (09 điều); Chương II. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (06 điều); Chương III. Chế độ quản lý giam giữ (11 điều); Chương IV. Chế độ của người bị tạm giữ người bị tạm giam (05 điều); Chương V. Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (04 điều); Chương VI. Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam (02 điều); Chương VII. Bảo đảm điều kiện quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (04 điều); Chương VIII. Kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (02 điều); Chương IX. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (18 điều); Chương X. Trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (10 điều); Chương XI. Điều khoản thi hành (02 điều).

2. Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự (Luật số 99/2015/QH13): Luật này được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26/11/2015; hiệu lực thi hành được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 41/2017/QH14, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Luật quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trác nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bố cục của Luật gồm gồm 10 chương với 73 điều, cụ thể: Chương I. Những quy định chung (14 điều); Chương II. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân (07 điều); Chương III. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân (07 điều); Chương IV. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (03 điều); Chương V. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (08 điều); Chương VI. Quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự (05 điều); Chương VII. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra (15 điều); Chương VIII. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự (04 điều); Chương IX. Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác điều tra hình sự (07 điều); Chương X. Điều khoản thi hành (03 điều).

Về quy định chuyển tiếp: (1) Quy định về tên gọi tại điểm c (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ) và điểm đ (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu) khoản 1 Điều 18 của Luật này thay thế tên gọi Cục Cảnh sát kinh tế và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 của Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13; (2) Những vụ án đang được các Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực mà chưa kết thúc điều tra thì tiếp tục điều tra cho đến khi kết thúc điều tra vụ án; (3) Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp đã được bổ nhiệm theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 thì tiếp tục giữ chức danh đó cho đến hết nhiệm kỳ.

3. Bộ luật hình sự (Luật số 100/2015/QH13): Luật này được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015; hiệu lực thi hành được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 41/2017/QH14, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ XHCN, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người tuân thủ theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt. Về bố cục, Bộ luật hình sự gồm có 26 chương với 426 điều, được thiết kế thành 03 phần, cụ thể: Phần thứ nhất - Những quy định chung (gồm 12 Chương, từ Điều 01 đến Điều 107); Phần thứ hai - Các tội phạm (gồm 14 Chương, từ Điều 108 đến Điều 425); Phần thứ ba - Điều khoản thi hành (gồm 01 Chương và 01 điều - Điều 426).

Bộ luật hình sự số 15/1999/QH11 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng bộ Luật hình sự năm 2015 còn được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

4. Bộ luật tố tụng hình sự (Luật số 101/2015/QH13): Luật này được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015; hiệu lực thi hành được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 41/2017/QH14, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Bộ luật quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Về bố cục, Bộ luật gồm 9 phần, 36 chương và 510 điều, cụ thể: Phần thứ nhất - Những quy định chung, gồm 08 chương với 142 điều; Phần thứ hai - Khởi tố, điều tra vụ án hình sự, gồm 09 chương với 93 điều; Phần thứ ba - Truy tố, gồm 02 chương với 14 điều; Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự, gồm 03 chương với 113 điều; Phần thứ năm - Một số quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án, gồm 02 chương với 07 điều; Phần thứ sáu - Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, gồm 03 chương với 43 điều; Phần thứ bảy - Thủ tục đặc biệt, gồm 07 chương với 78 điều; Phần thứ tám - Hợp tác quốc tế, gồm 02 chương với 18 điều; Phần thứ chín - Điều khoản thi hành, gồm 02 điều.

Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực. Bãi bỏ quy định về cấp giấy chứng nhận người bão chữa tại khoản 3, khoản 4 Điều 27 của Luật luật sư số 65/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật luật sư số 20/2012/QH13.

5. Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật số 02/2016/QH14): Luật này được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016; quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Bố cục của Luật gồm 09 chương, 08 mục và 68 điều, cụ thể: Chương I - Những quy định chung (05 điều); Chương II - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (04 điều); Chương III - Hoạt động tín ngưỡng (06 điều); Chương IV - Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tâp trung, đăng ký hoạt động tôn giáo (05 điều); Chương V - Tổ chức tôn giáo (22 điều); Chương VI - Hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo (13 điều); Chương VII - Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo (04 điều); Chương VIII - Quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (06 điều); Chương IX - Điều khoản thi hành (03 điều).

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

6. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14)Luật này được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017; quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bố cục của Luật gồm 04 chương với 35 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung (07 điều); Chương II - Quy định nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (13 điều); Chương III - Quy định trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (12 điều); Chương IV - Điều khoản thi hành (03 điều).

Quy định chuyển tiếp: (1) Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước ngày Luật có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì được thực hiện theo quy định của Luật này; (2) Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các cam kết do Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

7. Luật quản lý ngoại thương (Luật số 05/2017/QH14): Luật này được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017. Bố cục của Luật gồm 08 chương với 113 điều; quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Các pháp lệnh sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 113 của Luật này: (1) Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10; (2) Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11; (3) Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11. Bãi bỏ khoản 3 Điều 28, khoản 3 Điều 29, khoản 3 Điều 30 và các Điều 31, 33, 242, 243, 245, 246, 247 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11.

8. Luật du lịch (Luật số 09/2017/QH14): Luật này được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017. Bố cục của Luật gồm 09 chương với 78 điều; quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch.

Luật du lịch số 44/2005/QH1 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu thi hành. Quy định chuyển tiếp: (1) Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trước ngày Luật có hiệu lực, không phải làm thủ tục đổi giấy phép, nhưng phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực; (2) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lực hành nội địa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu thi hành; sau thời hạn trên, nếu không có giấy phép thì doanh nghiệp không được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; (3) Hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nội địa đã được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, được tiếp tục hành nghề cho đến hết thời hạn ghi trên thẻ; (4) Cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận hạng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng hạng đã được công nhận cho đến hết thời hạn theo quy định.

9. Luật trợ giúp pháp lý (Luật số 11/2017/QH14): Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017. Bố cục gồm 8 chương với 48 điều; quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Luật trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Quy định chuyển tiếp: (1) Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người đã được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật số 69/2006/QH11 được tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật này; sau 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý; (2) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý theo Luật số 69/2006/QH11 phải đáp ứng yêu cầu của Luật này; trường hợp không đáp ứng yêu cầu của Luật này thì chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý và chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nơi đăng ký tham gia để tiếp tục thực hiện; (3) Vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện theo Luật số 69/2006/QH11 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa kết thúc thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật số 69/2006/QH11 cho đến khi kết thúc vụ việc; (4) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh rà soát các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được thành lập tại địa phương và căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý và hiệu quả hoạt động báo cáo Bộ Tư pháp để thống nhất việc duy trì, sáp nhập hoặc giải thể Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14): Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017. Luật gồm 03 điều, Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Điều 3. Hiệu lực thi hành.

11. Luật quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 15/2017/QH14): Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2017.  Bố cục của Luật gồm 10 chương với 134 điều; quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; tài sản nhà nước được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là tài sản công./.

Văn phòng

Top page Desktop