huong-dan-trinh-tu-thuc-hien-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-lua-chon-nha-dau-tu-thuc-hien-du-an-dau-tu

Hướng dẫn trình tự thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

Hướng dẫn trình tự thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

Article

Thực hiện Thông báo số 64/TB-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2021 “Về kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Ngọc Tuấn tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh” và Văn bản số 1430/UBND-KTTH ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về triển khai Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ”.

Trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định các mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư. Ngày 12 tháng 5 năm 2021 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum ban hành văn bản số 1203/SKHĐT-DN về hướng dẫn trình tự thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 29 của Luật Đầu tư năm 2020 như sau:

I. Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương theo quy định tại Điều 32 của Luật Đầu tư([1])

1. Chấp thuận chủ trương để nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

- Trường hợp nội dung đề nghị của nhà đầu tư đã rõ thông tin và không trùng với các chủ trương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu quy hoạch.

- Trường hợp nội dung đề nghị của nhà đầu tư chưa rõ thông tin, bị trùng lặp với các chủ trương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trường hợp dự án chưa có nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập hồ sơ([2]) đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

2. Lập Danh mục dự án thu hồi đất trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

- Trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất: Sau khi hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu quy hoạch, Nhà đầu tư phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi dự kiến thực hiện dự án để tổng hợp đưa dự án vào Danh mục dự án thu hồi đất.

- Trường hợp dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi dự kiến thực hiện dự án để tổng hợp đưa dự án vào Danh mục dự án thu hồi đất.

Trên cơ sở nội dung đề nghị của Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND các huyện, thành phố tổng hợp các dự án vào Danh mục dự án thu hồi đất, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất.

3. Chấp thuận chủ trương đầu tư

Trên cơ sở danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và các biểu mẫu theo Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư (thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh).

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 5, Điều 33, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (trong đó có xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư).

4. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

- Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Quyết định chấp chuận chủ trương đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định về pháp luật đất đai.

- Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu: Trên cơ sở nội dung tại Quyết định chấp chuận chủ trương đầu tư (đồng thời là Quyết định phê duyệt Danh mục dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu)([3]), Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trước khi công bố danh mục dự án. Đối với dự án thực hiện tại khu kinh tế, Ban quản lý khu kinh tế tổ chức xác định, phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trước khi công bố danh mục dự án. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung về yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao tổ chức thực hiện đấu thầu tại Quyết định chấp chuận chủ trương đầu tư tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định về pháp luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ (đã được Sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Nhà đầu tư trúng đấu giá, trúng thầu thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu và triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá hoặc Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

II. Đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương theo quy định tại Điều 32 của Luật Đầu tư

1. Chấp thuận chủ trương để nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu quy hoạch, lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất

- Trường hợp nội dung đề nghị của nhà đầu tư đã rõ thông tin và không trùng với các chủ trương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu.

- Trường hợp nội dung đề nghị của nhà đầu tư chưa rõ thông tin, bị trùng lặp với các chủ trương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trường hợp dự án chưa có nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền([4]) lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

2. Lập Danh mục dự án thu hồi đất trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

- Trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất: Sau khi hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu quy hoạch, Nhà đầu phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi dự kiến thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để tổng hợp đưa dự án vào Danh mục dự án thu hồi đất.

- Trường hợp dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm rà soát, phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi dự kiến thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để tổng hợp đưa dự án vào danh mục dự án cần thu hồi đất.

Trên cơ sở nội dung đề nghị của Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND các huyện, thành phố tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất vào Danh mục dự án thu hồi đất, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất.

3. Lập Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất

Trên cơ sở danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5, điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP). Đối với dự án do Nhà đầu tư đề xuất, Nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5, điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất; đánh giá việc đáp ứng đầy đủ điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại Điều 11 của Nghị định 25/2020/NĐ-CP; xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Trong quá trình thẩm định danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, trường hợp dự án đủ điều kiện đấu giá thì tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

4. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao nhiệm vụ đấu thầu tổ chức thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định về pháp luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ (đã được Sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu và triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định hiện hành.

Văn phòng


([1]) “Điều 32. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

a) Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt;

c) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);

d) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

2. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.”

([2]) Theo điểm b, khoản 4, Điều 31, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP là: Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

([3]) Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP

([4]) Theo điểm a, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5, điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) là: Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop