Giải pháp góp phần bảo đảm an toàn thông tin trên Internet, mạng xã hội
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội đã mang lại những tiện ích cho con người trong tiếp cận, trao đổi, giao lưu…tuy nhiên, nếu là thông tin “xấu”, “độc” thì có tác hại lớn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
(Quang cảnh Hội nghị toàn tỉnh Kon Tum tập huấn Nghị định 09 của CP quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (tổ chức 10/2017)
Sự nhiễu loạn thông tin trên Internet, mạng xã hội
Câu chuyện vừa mới xảy ra trên địa bàn tỉnh ta cho thấy sự “nhiễu loạn thông tin” không đáng có.
Sau những cơn mưa kéo dài, tại 03 tuyến đường giao thông vào khu dân cư Khu I-1 (đoạn nối từ đường D1 đến D2), đường D7 và đường D8 Khu I (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum) bị sạt lở, hư hỏng. Trong đó, công trình đường vào khu dân cư Khu I-1 có chiều dài 252,82m, tổng vốn đầu tư là hơn 3,4 tỷ đồng; Công trình đường D7 có chiều dài 1.088,62 m, tổng vốn thực hiện là 5,772 tỷ đồng; Công trình đường D8 có chiều dài 1.743,94 m, tổng vốn thực hiện là 6,148 tỷ đồng. Cộng cả 3 công trình này lại tổng kinh phí xây dựng chỉ hơn 15 tỉ đồng. Đó là sự thật!
Thế nhưng, khi vừa phát hiện vụ việc, một vài tờ báo đã vội vàng cho rằng đường nghìn tỉ ở Kon Tum bị sập gãy sau cơn mưa…Tiếp theo đó, một vài Facebooker “tiếp nhận” thông tin trên và tiếp tục phát tán kèm theo những lời bình…thiếu thiện chí, không mang tính xây dựng.
Hoặc mới đây, dự án bờ kè sông Đăk Bla được đưa vào sử dụng cuối năm 2012, với tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng (trong đó, vốn ngân sách tỉnh chiếm 90%, còn lại vốn Trung ương đầu tư mục tiêu thủy lợi). Một thời gian dài, một số đối tượng đập phá hàng loạt lan can, nắp cống thoát nước tại dự án này chỉ nhằm mục đích duy nhất là để…lấy sắt bán phế liệu. Vậy thôi. Thế nhưng khi báo chí thông tin thì lập tức vẫn có những “anh hùng bàn phím” trên Facebook vẫn có những bình luận “méo mó”, ác ý theo chủ đích của họ…
Qua hai câu chuyện nêu trên cho thấy sự nhiễu loạn của thông tin với những tin tốt - xấu lẫn lộn, rất khó kiểm soát. Điều đáng quan tâm, trong sự nhiễu loạn thông tin ấy, các nhóm, thế lực phản động đã “tận dụng triệt để” cùng với những ưu thế vượt trội của công nghệ số, mạng xã hội để tuyên truyền những tư tưởng độc hại nhằm gây nhiễu thông tin chính thống, gây hoang mang dư luận; phá vỡ niềm tin và cắt đứt sợi dây liên kết giữa Đảng với Nhân dân, nhất là vào những thời điểm mang ý nghĩa chính trị - lịch sử quan trọng của đất nước.
Do vậy, việc kiểm soát tốt thông tin để định hướng, tuyên truyền, mang đến cho người tiếp nhận thông tin những thông tin chính thống, thông tin tích cực có ý nghĩa rất quan trọng, đầu tiên…
Giải pháp góp phần bảo đảm an toàn thông tin trên Internet, mạng xã hội
Để tạo không gian, môi trường thông tin lành mạnh, có văn hóa trên các trang mạng, các phương tiện truyền thông, người dân được tiếp cận với những thông tin chính thống, đúng sự thực, bản chất vấn đề…sự cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, với những biện pháp cụ thể.
Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái trên mặt trận thông tin; ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chú ý triển khai sâu rộng, có hiệu quả Quy định 19 điều đảng viên không được làm, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó quy định chi tiết về phát ngôn, quản lý thông tin, không cho phép a dua, hùa theo những quan điểm lệch lạc, sai trái. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ, trong đó Điều 5 (của NĐ 72) nêu rõ nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Hai là, các cơ quan, đơn vị phụ trách về công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền cần phối hợp tốt với các cấp chính quyền trong việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí để cung cấp cho công chúng những thông tin tốt, có chất lượng, bảo đảm độ chính xác, tin cậy đến với nhân dân; kịp thời định hướng dư luận, tránh sự hiếu kỳ, đồn thổi.
Cùng với đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cần bám sát mục tiêu, tôn chỉ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; biểu dương, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, những mô hình, cách thức; phản ánh những hành vi sai trái, những luận điệu xuyên tạc, tạo dựng niềm tin, xây dựng lý tưởng, khát vọng cho nhân dân.
Ba là, để mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, người dân nói chung không bị mắc bẫy, a dua phụ họa theo những thông tin xấu, độc thì trước tiên từng cá nhân cần tĩnh táo nhận diện rõ được các âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động cũng như các đối tượng, cá nhân, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước ta. Người dùng mạng xã hội phải tự bảo vệ bản thân trước những mặt trái, cần biết "gạn đục khơi trong", nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá, thậm chí có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội; không chạy theo và cổ súy cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin xấu, độc…Đặc biệt, đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên; chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng nghĩ trái, nói trái, làm trái nền tảng tư tưởng, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do cá nhân, phần tử xấu lập ra. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, không rõ nguồn gốc.
theo tuyengiaokontum.org.vn